Phải chấp nhận cuộc chơi khi gia nhập WTO

Phải chấp nhận cuộc chơi khi gia nhập WTO

Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang-Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Vào những ngày cuối năm Điện Quang gặp hai cái hạn. Thứ nhất là thị trường Myanmar mới được mở rộng trong thời gian gần đây và trở thành một thị trường chủ lực của Điện Quang, nhưng từ tháng 10-2005 đã có những “lệnh miệng” đơn phương từ nước đối tác yêu cầu không cho nhập khẩu bóng đèn của Việt Nam. Thế là mất một thị trường quan trọng mà đáng lý Điện Quang có thể tăng kim ngạch khá lớn trong năm nay, nếu những tháng còn lại thực hiện nốt các hợp đồng xuất khẩu đã ký.

Dây chuyền sản xuất Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Người Lao Động.
Dây chuyền sản xuất Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Người Lao Động.

Thứ hai, mấy ngày gần đây báo chí đưa tin đèn huỳnh quang bị kiện bán phá giá tại Ai Cập đối với một số nước trong đó có Việt Nam bán phá giá tới 75%. Đây cũng là thị trường đầy tiềm năng, tuy mới được mở, nhưng tiêu thụ số lượng khá nhiều sản phẩm bóng đèn của Điện Quang nhờ giá cả và chất lượng tốt.

Năm tới, Điện Quang sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì hai thị trường này bị gián đoạn. Nếu không bị hạn chế bởi hai thị trường này thì Điện Quang có thể đạt kim ngạch xuất khẩu trong năm tới vào khoảng 5 triệu USD chứ không phải 3 triệu USD như giá trị các hợp đồng xuất khẩu đang có.

Bà Thoa tỏ ra tiếc nhất là thị trường Ai Cập với nhiều tiềm năng và Điện Quang cũng bỏ nhiều công sức để thúc đẩy bán hàng và chiếm lòng tin của người tiêu dùng vùng đất này. Thật ra trước đó, phía bên kia đã có những dấu hiệu làm khó như yêu cầu tên từng sản phẩm phải in chữ Ả Rập (trước đó chỉ in chữ ngoài thùng bao bì chứ không in lên sản phẩm). Còn bây giờ là quyết định kiện bán phá giá. Nhưng Điện Quang không sợ.

Trong mấy năm qua, công ty đã tiến hành đầu tư lò nấu thủy tinh hiện đại nhất, tiết kiệm nhiệt năng và giảm tỷ lệ ống hư hỏng. Công ty cũng thực hiện hàng loạt biện pháp tiết kiệm nguyên - nhiên liệu, tăng năng suất lao động, tinh giảm biên chế… nhằm tạo giá thành thấp nhất. Chính vì vậy mà sản phẩm bóng đèn Điện Quang cạnh tranh được với bóng đèn ngoại trên thị trường, từng bước đẩy thị phần trong nước tăng lên, đồng thời cũng đẩy nhanh xuất khẩu.

Gia nhập WTO đòi hỏi doanh nghiệp phải chấp nhận và làm quen dần với những thông lệ làm ăn quốc tế, trong đó có việc áp dụng hàng rào kỹ thuật chống phá giá. Cũng năm ngoái, bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm năng lượng của Việt Nam bị kiện bán phá giá tại châu Âu và phải chịu thuế chống phá giá 66%.

Do vậy, từng cán bộ của Điện Quang cũng được phổ biến và buộc phải làm quen với tình hình này, chủ động tìm kiếm và mở rộng các thị trường khác để bù đắp và ứng phó với kiện tụng cũng như mức thuế có thể bị áp đặt.

Để phù hợp với thông lệ quốc tế, không gì hơn là doanh nghiệp phải có biện pháp chủ động ứng phó và còn cần nghiên cứu kỹ pháp luật của nước nhập khẩu hàng hóa, có đội ngũ chuyên gia tư vấn luật có chuyên môn cao để hỗ trợ cho các công tác pháp lý sau này. Đây cũng là bài học để doanh nghiệp trưởng thành hơn.

THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục