Tháng 9, các hãng phim nhà nước bắt đầu nóng lên với hàng loạt phát biểu của các nhà quản lý, anh em nghệ sĩ xoay quanh vấn đề: Hãng phim nhà nước tồn tại hay không tồn tại trong cơ chế vận hành hiện nay?
Thật ra, vấn đề không phải do cách thức duyệt kịch bản có đổi mới hay không, cũng không phải vì số tiền tài trợ được cào bằng, mà chủ yếu do chỉ có 7,6 tỷ đồng dành cho phim truyện thay vì mười mấy tỷ đồng như trước kia. Nhưng tất cả cũng là “rượu cũ, bình mới”, Hội đồng duyệt kịch bản phim quốc gia hầu hết là người cũ, trong đó đặc biệt, lãnh đạo các hãng phim Trung ương đều có người nằm trong hội đồng. Cho nên, để gọi là cách tân, năm nay Hội đồng có mời một vài hãng phim địa phương tham dự. Tuy nhiên, dù vậy các hãng nhỏ này cũng khó mà chen chân vào chiếu của mấy anh được!
Rốt cuộc, với 7,6 tỷ đồng, quyền ưu tiên cũng thuộc về 3 hãng phim Trung ương: Hãng phim truyện VN, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim truyện 1. Mỗi hãng phim có với tay lắm thì cũng chỉ được duyệt từ 1 đến 2 phim với số tiền tài trợ gần như cào bằng.
Đã ít mà còn bị cào bằng - Việc này gây phản ứng khá nhiều từ các hãng phim, các nghệ sĩ. Thậm chí, có người cho rằng, 7,6 tỷ đồng có khi chỉ đủ làm một phim. Thực tế đúng là như vậy, nhưng họ đã quên rằng, chưa bao giờ số tiền tài trợ, dù là ít nhất, sẽ được dành để sản xuất phim 100%.
Chỉ cần một kịch bản được duyệt là nhà quản lý đã tính tới trăm công ngàn việc phải “ké” vào kinh phí này. Đó là chưa kể đến những bộ phim tiêu tốn tiền tỷ nhưng làm ra rồi phải cất kho vì không đạt chất lượng. Cho nên, nói theo một cách nào đó, khi đầu tư cho một bộ phim, nhà nước phải tính luôn tiền nuôi quân của hãng phim đó. Vậy thì... biết bao giờ cho đủ? Và chắc chắn, chẳng có lãnh đạo Cục nào dám “liều mạng” xổ số 7,6 tỷ đồng cho 1 hoặc 2 phim. Đã có quá nhiều bài học từ việc “bị rút ruột” các công trình điện ảnh thời gian qua.
Thế nên, đây chỉ là thời điểm “thoái trào” của các hãng phim nhà nước mà chúng ta buộc phải chấp nhận. Đau lắm, nhưng không thể kéo dài một cơ chế như vậy được. Còn nếu như muốn tồn tại thì phải có sự thay đổi mạnh, toàn diện, từ cơ chế sản xuất đến người quản lý.
Một trong những con đường phải tính tới là cổ phần hóa các doanh nghiệp hãng phim. Chỉ khi nào đồng tiền từ túi anh bỏ ra, anh sẽ tự khắc biết đầu tư như thế nào cho có hiệu quả, sẽ biết chọn ai có năng lực để quản lý tài sản và trí tuệ của anh em. Nhà nước lúc ấy đóng vai trò trọng tài, xuất hiện đúng lúc để điều chỉnh khi cần thiết. Và nếu như cần có một bộ phim để quảng bá cho thương hiệu đất nước thì các vị cũng sẽ tự khắc biết tìm hãng phim nào, nghệ sĩ nào để đặt hàng. Đó cũng là một cách để chúng ta suy nghĩ.
NHẤT MAI (biên kịch)