Phân bón ứ đọng, doanh nghiệp nhập khẩu kêu trời!

“Chưa bao giờ thị trường phân bón lại ế ẩm, tồn đọng nhiều như bây giờ, tình trạng này mà kéo dài mãi thì chết mất”, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón đã than vãn như thế với chúng tôi trong sáng 27-7.
Phân bón ứ đọng, doanh nghiệp nhập khẩu kêu trời!

“Chưa bao giờ thị trường phân bón lại ế ẩm, tồn đọng nhiều như bây giờ, tình trạng này mà kéo dài mãi thì chết mất”, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón đã than vãn như thế với chúng tôi trong sáng 27-7.

  • Phân bón ứ đọng - Đạm Phú Mỹ hạ giá bán

Hiệp hội Phân bón VN cho biết, từ hơn một tháng nay, mức tiêu thụ phân bón ở thị trường trong nước diễn ra rất chậm. Sở dĩ phân bón tiêu thụ chậm là do giá bán liên tục leo thang trong một thời gian dài (có thời điểm lên đến 5.200-5.300 đồng/kg) khiến người dân không có khả năng mua, họ cấy chay hoặc hạn chế tốt đa việc bón phân cho cây trồng. Đó là chưa kể ở nhiều vùng miền, bà con nông dân còn bỏ cả đất trống, không sản xuất. Hơn nữa, đây là thời điểm kết thúc vụ hè thu (một tháng nữa mới đến vụ mùa) nên nhu cầu sử dụng phân bón giảm đi đáng kể.

Phân bón ứ đọng, doanh nghiệp nhập khẩu kêu trời! ảnh 1

Các cửa hàng phân bón ở Q7 - TPHCM đóng cửa, không giao dịch.

Đứng trước tình trạng phân bón tiêu thụ quá chậm và ứ đọng nhiều như hiện nay (ước khoảng 250.000 tấn), sáng 27-7, Công ty Phân đạm hóa chất dầu khí (cơ quan chủ quản của Nhà máy Đạm Phú Mỹ) đã quyết định hạ giá bán phân urê xuống còn 4.200 đồng/kg (tức giảm thêm 300 đồng/kg).

Giám đốc công ty Đinh Hữu Lộc cho biết: không chỉ giảm giá bán, công ty còn dành ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp mua với số lượng lớn.

Theo đó, doanh nghiệp mua từ 30.000 tấn trở lên sẽ được công ty giảm giá thêm 1% nữa. Lý giải việc kích cầu hết cỡ này, ông Lộc kể ra hàng loạt các chi phí phải gánh cho việc lưu trữ phân bón quá lâu, đó là chưa kể nếu lưu kho quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng phân bón bị chảy nước, hư hỏng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Không chỉ Đạm Phú Mỹ, các doanh nghiệp nhập khẩu còn rơi vào tình trạng tệ hại hơn.

Bà Nguyễn Thị Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lê (quận 7) cho biết: Từ đầu năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Phân bón VN và Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, nhiều doanh nghiệp đã nhập về một lượng lớn phân bón để phục vụ sản xuất trong nước. Thời điểm đó, giá phân bón khá cao, nếu tính các chi phí thì giá bán lẻ phân bón nhập khẩu thời điểm đó phải là 5.000 đồng/kg. Nay phân bón không tiêu thụ được, phải giảm giá khiến cho doanh nghiệp bị thiệt thòi rất lớn.

  • Chợ phân bón ế ẩm!
Phân bón ứ đọng, doanh nghiệp nhập khẩu kêu trời! ảnh 2

Phân bón nhập về chất đầy bãi ở cảng Khánh Hội - TPHCM.

Đứng trước việc Đạm Phú Mỹ giảm giá, không ít các doanh nghiệp nhập khẩu đã rất bất bình. Mới đây, 10 doanh nghiệp đã gửi đơn đến ngành chức năng để phản đối Đạm Phú Mỹ phá giá, gây rối loạn thị trường.

Theo giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, chỉ trong vòng 2 tháng mà Đạm Phú Mỹ đã giảm giá đến 2 lần, từ 4.650 đồng/kg, giảm còn 4.500 đồng/kg, nay chỉ còn 4.200 đồng là không thể chấp nhận được. “Chúng tôi mới ký hợp đồng mua 2.000 tấn của họ với giá 4.500 đồng/kg, chưa kịp nhận hàng, nay họ thông báo giảm tới 300 đồng/kg, như vậy coi như chúng tôi mất trắng 600 triệu đồng chỉ trong chốc lát”.

Có mặt tại chợ phân bón đường Trần Xuân Soạn (quận 7) chiều 27-7, chúng tôi nhận thấy, không khí mua bán ở đây im ắng đến lạ thường. Chị Nguyễn Thị Nhật Linh ngụ phường Tân Kiểng quận 7 cho biết, trước đây, mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở phân bón qua lại trên tuyến đường này, nhưng cả tháng qua, thay cho những chiếc xe tải là những chiếc ba gác chở lèo tèo vài chục bao phân.

Chị Ôn Lệ Hồng, Phó giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc Thành (số 33/8 Trần Xuân Soạn, quận 7), đơn vị chuyên nhập khẩu phân bón buồn bã kể, mãi lực mua bán phân bón đã tuột dốc hơn nửa tháng qua, số lượng hợp đồng giao dịch với khách hàng đã giảm đến 70%.

Và mặc dù Đạm Phú Mỹ đã giảm giá còn 4.200 đồng/kg, nhưng ế ẩm vẫn cứ ế ẩm. Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phân bón cho rằng họ đang đứng trên bờ vực phá sản. Điển hình như Thiên Lộc Thành, trong tháng qua mới nhập về 4.000 tấn với giá 4.600 đồng/kg, nhưng chưa tiêu thụ được, thì với giá phân bón giảm 300 đồng/kg, công ty thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng.

Còn các cửa hàng nhỏ lẻ nằm trên đường Trần Xuân Soạn thì phải đóng cửa hàng loạt, thậm chí nhiều công ty có uy tín trong việc cung ứng phân bón trước đây như Minh Thành cũng đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Thế nhưng, đó mới chỉ là những công ty nhỏ, ngay cả những đơn vị lớn như Công ty cổ phần Kỹ thuật vật tư nông nghiệp Cần Thơ, đơn vị cung ứng phân bón chủ yếu cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện cũng đang rơi vào tình trạng “bi đát”, do đang “ôm gánh nặng” trên 20.000 tấn phân bón chưa tiêu thụ được.

Anh Lý Thanh Tùng, Phó giám đốc công ty cho biết, giá nhập một tấn phân bón lúc ấy là 295USD, trong khi bán ra thị trường hiện nay chưa tới 260USD/tấn là quá lỗ. Giải pháp mà công ty đưa ra bây giờ là giữ lại để chờ tăng giá, dù biết rằng chi phí lưu kho, lãi suất ngân hàng (vẫn phải đóng hàng tháng) sẽ là áp lực rất lớn mà công ty phải chịu.

TUYẾT THU - ĐÀO THỤY
 

Tin cùng chuyên mục