
Suốt ngày phải quần quật dưới cái nắng 39-40oC nhưng thu nhập trung bình mỗi tháng của hàng chục ngàn lao động làm muối thuộc nhiều xã ven biển huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An chỉ chưa đầy 170.000đ. Tại các xã này, muốn tìm được một thanh niên cũng khó, bởi họ đã bỏ làng ra đi tìm “miếng cơm manh áo”…
Gian nan hạt muối trắng

Bà con diêm dân tu sửa sân phơi chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Ngày làm việc của gia đình anh Nguyễn Văn Đức ở xã An Hòa bắt đầu từ 5g và kết thúc vào lúc 19g. Vừa đẩy xe cát cao quá đầu mình, anh Đức cho biết: “Gia đình tôi có sáu người thì cả sáu đều làm muối, mỗi người mỗi việc, tùy theo sức khỏe”.
Tuy nhiên, việc làm muối thực sự bắt đầu từ lúc 12g30, tức là thời điểm nắng đạt đến độ gay gắt nhất. Anh Đức than thở: “Kiếm được hạt muối cực lắm, suốt ngày toàn đứng ngoài trời, nếu đợi trời hết nắng thì không thể làm ra muối vì nước mặn trên sân phơi không thể bay hơi để tạo thành muối được”.
Nghề làm muối nước ở đây có nhiều công đoạn, từ gom cát, xúc và đẩy cát, tát nước lên phơi cho đến nạo gom muối… tất cả đều làm dưới trời nắng.
Mỗi khi trời chuyển giông, mọi người đều bước vào cuộc đua “cướp muối” với trời, chỉ cần chậm chân 10 phút, mưa trút xuống, công sức của cả gia đình sẽ tan theo nước. Do phải làm việc với tốc độ nhanh, trượt chân, té ngã, chấn thương là chuyện bình thường. “Tuy vất vả nhưng chúng tôi không dám bỏ ngày nào vì sợ bị mất sản lượng, chẳng biết lấy gì để sống”, anh Thành - một diêm dân ở xã Quỳnh Long - nói.
Còn bà Nguyễn Thị Kính, ở thôn Hòa Thuận, xã Quỳnh Thuận, năm nay đã 68 tuổi, vừa trông coi 2 đứa cháu nội vừa phải làm muối. Bà cho biết, con trai và con dâu bà đi vào Bình Dương làm công nhân, để lại hai đứa cháu, đứa lớn học lớp 9, đứa nhỏ mới lớp 4, trước giờ đi học cũng tranh thủ giúp bà, rồi mới đến trường.
Cô Trần Thị Tâm, giáo viên Trường THCS Quỳnh Thuận, chia sẻ: “Nhiều hôm, lớp học vắng nửa lớp, mãi tới gần một giờ sau mới thấy các em người nhễ nhại mồ hôi chạy vào lớp. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến với phụ huynh nhưng biết sao được!”.
Hầu hết các giáo viên ở các xã đều nhận xét: Học sinh lớp nhỏ học giỏi nhưng càng lớn chất lượng học càng kém do các em phải giúp bố mẹ làm muối. Được biết, ở huyện Quỳnh Lưu có 7 xã ven biển, với gần 10.000 hộ gia đình sống bằng nghề muối và hầu hết mọi người đều có chung hoàn cảnh như vậy.
Làm ra hạt muối đã khó, bán muối còn khó hơn. Thời còn bao cấp, còn có hợp tác xã thu mua. Giờ thì khác, lúc muối được giá còn đỡ, vào thời điểm muối ế ẩm hoặc đúng vào chính vụ, muối nhiều, bà con phải chạy đôn đáo tìm đại lý để bán và chuyện ép giá là điều khó tránh khỏi.
Bỏ làng ra đi
Nghề diêm dâm lắm lao đao, có khi thiếu ăn, bà con phải đến các đại lý tạm ứng “muối non” về để lo cho sinh hoạt gia đình. Đại lý lợi dụng cơ hội này mua trước với giá rẻ hoặc cân đong không trung thực, bà con biết điều đó nhưng đành phải chịu.
Năm 2007, bà con diêm dân Quỳnh Lưu đạt sản lượng và giá cao nhưng thu nhập bình quân đầu người của người làm muối cũng chỉ đạt 170.000đ/tháng. Điều này dẫn đến hệ lụy là học sinh phải bỏ học, thanh niên bỏ làng ra đi, tìm nghề khác để sinh sống: đàn ông đi biển đánh cá, làm cửu vạn, vào Nam làm công nhân, đi xuất khẩu lao động… Do đó, số thanh niên ở các xã ven biển mỗi lúc vắng dần. Riêng xã Quỳnh Long có tới 85% thanh niên độ tuổi từ 16 - 40 bỏ làng ra đi.
Cách đây 4 năm, bà con làm muối Quỳnh Lưu nhận được tin vui: Nhà nước có dự án đưa những cách đồng muối này vào sản xuất muối sạch xuất khẩu. Nhưng đến nay hầu như dự án đã đi vào… ngõ cụt.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch xã Quỳnh Thuận, cho biết: “Đã bốn năm nay, dự án vẫn chỉ là khởi đầu, do không có đủ kinh phí thực hiện. Hơn nữa, quy trình sản xuất muối sạch khá công phu, phức tạp. Giá cả tuy có cao hơn một chút (10%) nhưng sản lượng muối sẽ giảm hơn nhiều so với bình thường, tính ra thu nhập của bà con không được cải thiện”. Thở dài rồi ông nói tiếp: “Không biết bà con diêm dân Quỳnh Lưu còn khổ đến bao giờ?”.
Sông Lam – Trần Cường