
Chống buôn lậu, gian lận thương mại
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn (ảnh), Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), thực tế đấu tranh cho thấy tình hình buôn lậu ngày càng diễn biến phức tạp với các thủ đoạn tinh vi. Để phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt đã được triển khai.
* Phóng viên: Cuối năm thường là dịp cao điểm của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Vậy Ban Chỉ đạo 389 đã có những giải pháp nào để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này, thưa ông?
* Ông NGUYỄN VĂN CẨN: Thông thường mọi năm Thủ tướng sẽ có công điện chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Năm nay trực tiếp là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 đã ban hành Kế hoạch 218 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Kế hoạch này đã đưa ra các yêu cầu cụ thể chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường đấu tranh bắt giữ, xử lý phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, lực lượng, địa phương. Cùng với đó, hiện Ban Chỉ đạo 389 đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh các hành vi buôn bán vận chuyển sản xuất với phân bón, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi giả... Kế hoạch này sẽ xác định cụ thể trách nhiệm từng ngành, từng cấp, địa phương và sẽ được cụ thể hóa trong đợt cao điểm này để đấu tranh.

Một trong những biện pháp quan trọng của năm 2016 là thành lập các đoàn kiểm tra do đồng chí trưởng ban và các phó trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm trưởng đoàn trực tiếp đi kiểm tra, nắm tình hình tại các địa phương, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm.
* Cụ thể, măm 2016, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?
* Năm 2016, công tác này sẽ có sự đổi mới trong kiểm tra, trong đó yếu tố bí mật bất ngờ được đề cao với sự tham gia của các lực lượng chức năng chuyên sâu. Chẳng hạn như có sự tham gia của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu (Bộ Công an), lực lượng chống buôn lậu ở trung ương, địa phương. Đây sẽ là nòng cốt đấu tranh phòng ngừa, xử lý các đường dây ổ nhóm lớn.
* Yêu cầu về việc thay thế, luân chuyển, kỷ luật cán bộ thiếu trách nhiệm hay “bảo kê” cho tội phạm đã được đưa ra. Việc này được các bộ, ngành, địa phương thực hiện như thế nào, thưa ông?
* Qua công tác kiểm tra, kiểm soát và đánh giá, năm 2015 đã luân chuyển, kiểm điểm trách nhiệm đối với một số đơn vị, cá nhân có dấu hiệu không thực hiện đúng nhiệm vụ, bao che, tuy nhiên con số đó vẫn còn ít. Năm 2016, Văn phòng thường trực sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tăng cường công tác kiểm tra, thậm chí sẽ kiểm tra cụ thể một số vụ án, vụ việc, từ đó đề xuất xử lý trách nhiệm cụ thể. Việc luân chuyển cán bộ làm việc ở môi trường nhạy cảm, dễ bị mua chuộc được thực hiện theo quy chế của từng ngành. Ví dụ như ở cán bộ ngành hải quan, tối đa không quá 3 năm phải luân chuyển, nếu có dấu hiệu thì luân chuyển ngay, không đợi hết 3 năm mới làm.
* Trong tổng kết, đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 năm 2015, một trong những nhức nhối nổi lên là tình trạng buôn lậu ma túy, heroin đều có các vụ điển hình lớn. Theo ông, đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?
* Sở dĩ có tình trạng nhiều vụ buôn bán ma túy với quy mô lớn bị bắt giữ là do đặc thù của vị trí nước ta. Việt Nam là một trong những địa bàn nằm gần khu vực Tam giác vàng và là nơi trung chuyển tiêu thụ lượng lớn ma túy. Đối với heroin, hàng cấm này được nhập lậu, vận chuyển chủ yếu từ các nước có chung đường biên giới như Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc xuất đi, đưa vào Việt Nam ma túy đá tổng hợp và chất gây nghiện khác. Vừa qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ số lượng lớn vụ buôn lậu ma túy, heroin với tang vật có vụ lên tới 300 - 500 bánh heroin. Nếu như trước đây, việc phát hiện bắt giữ chủ yếu là các cơ quan chức năng Tây Bắc thì năm 2015 lại phát hiện, bắt giữ các vụ lớn nằm ở Cao Bằng, Lào Cai và lần đầu tiên cơ quan hải quan, phòng chống ma túy Bộ Công an phối hợp phá vỡ đường dây cấu kết buôn lậu 50kg cocain với trị giá gần 100 tỷ đồng từ Nam Mỹ nhập khẩu qua đường hàng không, cảng biển vào Việt Nam, với thủ đoạn rất tinh vi là đưa vào trụ gỗ, chuyển phát nhanh...
Trước diễn biến vừa qua, Ban Chỉ đạo 389 đánh giá tình hình sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp và xác định Việt Nam vừa là nơi tiêu thụ một phần vừa là nơi trung chuyển đi các nước khác. Do vậy, phải tiếp tục đấu tranh quyết liệt, liên tục.
* Xin cảm ơn ông!
|
HÀ MY