Phản hồi bài báo “Những bất thường từ một ca tử vong” - Ý kiến của Bệnh viện FV

Sau khi Báo SGGP số ra ngày 16-6-2008 đăng bài “Những bất thường từ một ca tử vong” có đề cập đến cái chết chưa rõ nguyên nhân của sản phụ Trần Thị Mỹ Đào sau khi điều trị tại 2 bệnh viện FV và Từ Dũ, ngày 20-6, Bệnh viện FV đã có công văn gửi Báo SGGP đề nghị được giải trình về quá trình điều trị của chị Trần Thị Mỹ Đào tại FV. Để rộng đường dư luận, Báo SGGP xin đăng tải lại một số nội dung chính của văn bản trên.

Lý do bệnh nhân nhập viện

Thai phụ Trần Thị Mỹ Đào, 42 tuổi, đã sinh mổ con đầu lòng vào năm 2004. Ngày 2-1-2008, bệnh nhân được tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện FV với các biểu hiện gò tử cung, dọa sinh non, kinh cuối cùng ngày 29-4-2007, ngày sinh dự kiến là 11-2-2008. Khi nhập viện tại FV, bệnh nhân đang mang thai 35 tuần 2 ngày, thai nhi chưa thực sự trưởng thành.

Quá trình điều trị

Bệnh nhân được chỉ định điều trị tránh sinh non, kéo dài tuổi thai đảm bảo em bé sinh ra được bình thường. Một trong những nguyên nhân dọa sinh non có thể là do nhiễm trùng chính vì vậy bệnh nhân đã được xét nghiệm tổng quát, bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, cấy dịch âm đạo, siêu âm và theo dõi tim thai để tìm ra dấu hiệu nhiễm trùng, nếu có.

Tất cả kết quả xét nghiệm và kiểm tra đều bình thường, nguyên nhân nhiễm trùng đã bị loại trừ. Chính vì vậy việc điều trị tập trung vào 2 mục đích: Thứ nhất là điều trị giảm cơn gò để tránh chuyển dạ sớm và sinh non (sử dụng Loxen - một trong những loại thuốc có hiệu quả tốt nhất trong các trường hợp như vậy). Thứ hai là hỗ trợ sự trưởng thành của phôi thai nhi (sử dụng Celesten tránh nguy cơ suy hô hấp cho em bé trong trường hợp bị sinh non).

Kết quả điều trị và tình trạng bệnh nhân khi xuất viện

Việc điều trị bằng các thuốc trên có hiệu quả tốt. Sau 7 ngày, các cơn gò đã giảm đáng kể, bệnh nhân được chỉ định ngưng sử dụng Loxen và được theo dõi liên tục trong 2 ngày tiếp theo. Ngày 11-1-2008, bệnh nhân được xuất viện dựa trên các cơ sở: Thai phụ trong tình trạng sức khỏe ổn định, biểu hiện lâm sàng bình thường, không sốt, đặc biệt là không ra huyết hay nước âm đạo.

Thai nhi đã đủ trưởng thành (gần 37 tuần tuổi) và có thể được sinh ra an toàn khi có dấu hiệu chuyển dạ tự nhiên (xin lưu ý là sự trưởng thành của thai nhi không chỉ dựa vào cân nặng mà dựa vào số tuần tuổi của thai nhi trong bụng mẹ. Trong trường hợp này thai nhi đủ điều kiện để sinh không phải vì đã được 3,1kg mà vì thai nhi đã đủ tuổi - gần 37 tuần và cũng vì chúng tôi đã điều trị hỗ trợ sự trưởng thành phổi thai nhi). Điều này cho thấy Bệnh viện FV đã điều trị hiệu quả cho cả thai phụ và thai nhi.

Xin lưu ý 2 điểm quan trọng là: Trong thời gian nằm viện điều trị tại FV, bệnh nhân không hề có bất kỳ biểu hiện nhiễm trùng nào và được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, biểu hiện lâm sàng bình thường, không sốt, đặc biệt là không ra huyết hay nước âm đạo. Máy đo nhịp tim thai bình thường, cho thấy chức năng tim bình thường. Cần biết rằng khi thai nhi bị nhiễm trùng thì tim thai sẽ tăng nhanh (từ chuyên môn là Tachycardia). Thực tế tim thai bình thường chứng tỏ thai nhi an toàn.

Khi xuất viện bệnh nhân được khuyên phải nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, được chỉ định uống thêm Loxen trong 1 tuần, và tới ngay bệnh viện nếu có dấu hiệu chuyển dạ.

Quan điểm của Bệnh viện FV

Khi nhập viện điều trị tại Bệnh viện FV, thai phụ có nguy cơ sinh non (35 tuần 2 ngày) và đã được điều trị kịp thời, việc sử dụng Loxen và Celesten đã cho kết quả tốt. Không có dấu hiệu nhiễm trùng khi bệnh nhân nhập viện tại FV.

Trong thời gian nằm viện tại FV, thai phụ cũng không hề có bất kỳ biểu hiện nhiễm trùng nào và được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, biểu hiện lâm sàng bình thường, không sốt, đặc biệt là không ra huyết hay rỉ ối.

Hơn nữa, kết quả theo dõi tim thai cho thấy thai nhi hoàn toàn bình thường khi mẹ được xuất viện. 12 giờ sau khi xuất viện bệnh nhân bị vỡ ối và được đưa vào Bệnh viện Từ Dũ.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lâm sàng bình thường, không có dấu hiệu nhiễm trùng, và được theo dõi chuyển dạ tự nhiên chứ không chỉ định mổ bắt con ngay. Sau đó hơn một giờ, do có dấu hiệu sốt, tim thai thay đổi, ối có màu xanh, thai phụ mới được chỉ định mổ bắt con.

Tại Bệnh viện FV khi thai phụ nhập viện trong tình trạng nước ối bị nhiễm trùng thì ngay lập tức phải được điều trị bằng kháng sinh theo phác đồ để ngăn ngừa biến chứng nặng.

Như vậy bệnh nhân được điều trị hiệu quả tại Bệnh viện FV, được chỉ định xuất viện đúng đắn, và quá trình nhiễm trùng tiến triển sau khi bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Từ Dũ dẫn đến tử vong.

Tuyệt nhiên không có một chi tiết nào cho thấy các bác sĩ Bệnh viện FV đã bỏ qua bất kỳ nguyên nhân gây nhiễm trùng nào, và tất cả kết quả đều cho thấy cả thai phụ và thai nhi đều trong tình trạng bình thường khi xuất viện tại FV. Chúng tôi không có ý kiến về những gì xảy ra tại Bệnh viện Từ Dũ nhưng chúng tôi rất tiếc là bệnh nhân đã không nghe theo lời khuyên của chúng tôi và không quay trở lại Bệnh viện FV sau khi bị vỡ ối.

Cũng trong sáng qua (22-6), ông Phạm Minh Nhân, chồng của sản phụ Trần Thị Mỹ Đào tiếp tục có đơn thư gửi Báo SGGP và trao đổi trực tiếp với phóng viên để cung cấp thêm một số thông tin về vụ việc trên. Theo ông Nhân, vừa qua có một số phương tiện thông tin đại chúng không hiểu sao lại trích dẫn lời ông: “Vẫn day dứt nghi do Bệnh viện Từ Dũ phẫu thuật nhiều lần khiến vợ tôi tử vong” và “vợ tôi đã được xuất viện tại Bệnh viện FV với tình trạng sức khỏe hoàn toàn tốt”. Ông Nhân hoàn toàn bác bỏ những trích dẫn trên và cho rằng: Đó là những thông tin vô căn cứ và không xác thực. Ông Nhân khẳng định: Tôi chưa bao giờ và không bao giờ nghi ngờ cái chết của vợ tôi là do Bệnh viện Từ Dũ. Ngược lại, dù vợ tôi đã qua đời nhưng tôi vẫn rất biết ơn tập thể Bệnh viện Từ Dũ đã hết sức tận tình điều trị cho vợ tôi trên tinh thần “còn nước còn tát” và tôi chưa hề nói (cũng chưa bao giờ nghĩ) vợ tôi được xuất viện Bệnh viện FV trong tình trạng sức khỏe tốt.

K.LIÊN ghi

Thông tin liên quan:
-  Những bất thường từ một ca tử vong

Tin cùng chuyên mục