
Ngày 2-8, Báo SGGP có bài “Đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập – Hứa và chờ”, nêu lên những điều còn bất cập và kiến nghị của một số nghệ sĩ thành phố trong việc đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật này được đông đảo độc giả – nghệ sĩ quan tâm. Với mong muốn có những câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL.
* PV: Ở Liên hoan Sân khấu xã hội hóa (XHH) lần 1-2006, chúng ta dự định sẽ tổ chức liên hoan 2 năm/lần để các đơn vị XHH, ngoài công lập giao lưu, học hỏi lẫn nhau, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tổ chức, vì sao vậy, thưa ông?
Nghệ sĩ Mỹ Uyên (trái) và Thanh Hoàng trong vở kịch “Cõi tình” trên sân khấu Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.
* Ông NGUYỄN ĐĂNG CHƯƠNG: Trong lễ tổng kết Liên hoan Sân khấu XHH, NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) có đề nghị tính toán xem xét đề xuất với Bộ VH-TT phê duyệt việc tổ chức định kỳ liên hoan này. Còn việc tổ chức 2 năm hay 5 năm một lần còn phải tính toán lại. Cơ quan quản lý nhà nước phải căn cứ vào rất nhiều vấn đề mới có thể đưa ra đề xuất tổ chức hay không tổ chức.
Bên cạnh đó, liên hoan này đã diễn ra được hơn 2 năm rồi, nhưng trong thực tế, toàn bộ các sân khấu trên cả nước phải thực hiện quy định 5 năm tổ chức/lần đối với các hoạt động biểu diễn, ca múa nhạc nghệ thuật chuyên nghiệp, để qua đó đánh giá các hoạt động trong 5 năm qua, tìm hướng đi cho 5 năm tới.
Năm 2009, chúng ta tổ chức Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc vào tháng 10-2009, và các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập cũng là đối tượng tham gia hội diễn này. Hội diễn này có tầm cỡ lớn hơn liên hoan để các nghệ sĩ khẳng định tài năng, đơn vị khẳng định thành quả lao động của mình. Hiện nay, có những đơn vị nghệ thuật ngoài công lập ở TPHCM đã đăng ký tham gia hội diễn đến hai vở…
* Trong các buổi tọa đàm tại Liên hoan Sân khấu XHH, các nghệ sĩ đã có nhiều đề xuất về chế độ ưu đãi, hỗ trợ phát triển. Vậy đến nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có những bước chuẩn bị hay sự chỉ đạo gì cho ngành văn hóa của các tỉnh, thành trong việc tiếp sức những đơn vị nghệ thuật ngoài công lập?
* Hiện nay chúng ta đã có những cơ chế chính sách tương đối cụ thể và cơ quan liên bộ là: Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn về việc thực hiện Nghị định 61 về cơ chế chính sách, ưu đãi trong việc XHH văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao… Tất cả những văn bản này, chúng tôi đều đã gởi đến các tỉnh, thành và việc triển khai thông tư hướng dẫn cũng như Nghị định 61 này còn tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương.
Chẳng hạn như có chế độ chính sách trong việc cấp đất cho các đơn vị, công ty, doanh nghiệp xây dựng nhà hát, khuôn viên giải trí cho nhân dân. Nhưng dựa vào tình hình thực tiễn, ví dụ như TPHCM, quỹ đất ở khu dân cư không còn, phải cấp đất ở ngoại ô thành phố thì liệu các đơn vị có dám đầu tư hay không? Cho nên, cơ chế chính sách đã có, vấn đề còn lại là tùy thuộc vào ngành văn hóa, chính quyền ở các địa phương thực hiện thế nào.
* Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần và Sân khấu Kịch IDECAF từng đề xuất Cục Nghệ thuật biểu diễn hỗ trợ dàn âm thanh, ánh sáng trị giá khoảng 100 triệu đồng/đơn vị và cũng từng được hứa hẹn sẽ hỗ trợ. Nhưng đến nay, vẫn chưa thấy có thông tin gì phản hồi từ phía cơ quan chức năng?
* Khi nhận được văn bản đề nghị hỗ trợ của hai đơn vị này, chúng tôi đã có tờ trình gởi lên Bộ VH-TT-DL. Nhưng trong 3 - 4 năm nay, những quy định của nhà nước về tài chính hoàn toàn không được phép chi hỗ trợ về âm thanh, ánh sáng. Các đồng chí lãnh đạo ở Bộ VH-TT-DL cũng rất quan tâm đến đề xuất của các đơn vị này, nhưng theo quy định về quản lý tài chính thì không thể thực hiện được, sẽ phải tìm cách tháo gỡ sau.
* Về vấn đề đầu tư tác phẩm cho các đơn vị ngoài công lập, nếu như các đơn vị có những đề xuất dự án, kịch bản tốt thì liệu có được đầu tư?
* Thời gian qua, chúng tôi đã và đang xây dựng đề án dàn dựng những kiệt tác sân khấu để góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật và có tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị nghệ thuật ở TPHCM. Tuy nhiên, hầu hết các nghệ sĩ của thành phố đều tỏ ra không mặn mà với đề án này nên chúng tôi đang chỉ triển khai thực hiện ở phía Bắc.
* Riêng với những đề xuất của các đơn vị nghệ thuật về những kịch bản mới - hay, mang hơi thở thời đại thì sao?
* Trong đề án, hoàn toàn không có chuyện đề xuất những kịch bản mới. Bởi 100 kiệt tác được chọn, có một hội đồng thẩm định và kịch bản sân khấu, văn học đã được khẳng định giá trị qua thời gian. Còn nếu có một kịch bản mới, hay thì chỉ cần tác giả công bố lên đã có hàng chục đơn vị nghệ thuật trên cả nước lấy dựng ngay, chứ không cần thông qua hội đồng tuyển chọn để xin kinh phí của cơ quan quản lý nhà nước
ĐỖ HẠNH