Mặc dù đã có doanh nghiệp (DN) thành công khi trở về sân nhà nhưng con số khá đông nhà sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu vẫn cảm thấy bất an khi nhìn vào thị trường nội địa, vì chưa biết khởi điểm từ đâu, dòng sản phẩm nào phù hợp...
Bởi theo những DN này, thông tin về thị trường nội địa chưa thật sự chính xác. Ngay cả con số tiêu thụ 1 tỷ USD/năm hay 3 tỷ USD/năm cũng chưa rõ ràng. Khi không đủ thông tin, sản phẩm nào, phân khúc nào… thì khó có được một chiến lược cụ thể.
Tuy nhiên, KTS Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA cho rằng, bài toán thị trường luôn khó nhưng không quá lo ngại. Nhà sản xuất hiểu rằng luôn có phân khúc cho từng dòng sản phẩm. Điều quan trọng là phải biết rõ thế mạnh của mình ở dòng sản phẩm nào, giá thành và chất lượng sản phẩm ra sao. Nhà phân phối biết khá rõ hàng nào bán chạy, xu hướng ra sao. Và một điều đang thay đổi dần nơi người tiêu dùng nội địa, 30 năm trước hàng nội thất là tài sản để lại cho con nhưng nay chỉ là món hàng thời trang, nhất là giới trẻ. Người tiêu dùng ít chú ý nguyên liệu gỗ mà quan tâm nhiều hơn đến thiết kế, sự tiện dụng.
Hầu hết các DN xuất khẩu gỗ trở về sân nhà đều làm nhiệm vụ vừa sản xuất vừa phân phối, đúng hơn là buôn bán nhỏ những sản phẩm của mình kèm theo một số dòng sản phẩm của DN khác. Ngay cả những DN chuyên sản xuất hàng trong nước cũng kiêm luôn vai trò này. Điều đó theo nhìn nhận của những người trong cuộc, chỉ làm phân tán khả năng và tiềm lực của DN.
Ông Vũ Văn Anh, Giám đốc truyền thông nhà phân phối sản phẩm đồ gỗ Vietmay Depot cho rằng, hãy để nhà phân phối chuyên nghiệp đảm nhiệm vai trò này. Nhà phân phối chuyên nghiệp là DN không sản xuất. Với nhà sản xuất, chi phí vận chuyển, tồn kho luôn tốn kém, nhưng với nhà phân phối, nhờ có hệ thống cửa hàng, kho bãi, vận chuyển lại là ưu thế.
Trước đây, Vietmay Depot có hệ thống 70 cửa hàng, nay lên đến 130 cửa hàng và liên tục tăng lên nên doanh số bán hàng cũng tăng lên. Sản phẩm của nhà sản xuất cùng lúc hiện diện ở tất cả hệ thống cửa hàng này. Hoàng Anh Gia Lai là điển hình. Trước đây, HAGL tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống cửa hàng bán lẻ, nhưng 5 năm sau khi Vietmay Depot làm nhà phân phối hàng nội thất của HAGL, doanh số bán lẻ sản phẩm của HAGL tăng lên rất nhanh. Chính nhờ hệ thống phân phối chuyên nghiệp, giúp DN giảm chi phí chiết khấu rất cao giữa nhà sản xuất và bán lẻ, qua đó sản phẩm đến với người tiêu dùng với giá cả cạnh tranh hơn. Nhà sản xuất còn có thể để hàng trong hệ thống kho của nhà phân phối. Khi nhà sản xuất thỏa thuận với nhà phân phối, DN đó yên tâm sẽ có thị trường ổn định. Tất nhiên sự hợp tác này phải bình đẳng, cả hai cùng có lợi. Nếu không sẽ khó bền vững. Vì vậy, nhà sản xuất kết hợp với nhà phân phối tạo nên sức mạnh.
Đồng quan điểm này, KTS Nguyễn Quốc Khanh cho biết, trước đây DN của ông vừa sản xuất vừa phân phối rất khó tập trung. Vì sản xuất và phân phối là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Sản xuất đòi hỏi tính chính xác nhưng phân phối cần linh động. Thời gian tới, AA tập trung vào khâu phân phối, nhận hàng từ DN sản xuất. Nhà phân phối phải thật chuyên nghiệp nắm chắc và hiểu rõ thị trường và nhà sản xuất cũng phải chuyên nghiệp, có sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh.
ĐĂNG LÃM