Pháp - Anh bắt tay ngăn chặn nạn nhập cư lậu

Ngày 20-8, hãng Reuters đưa tin Anh và Pháp đã công bố các biện pháp mới nhằm ngăn chặn người nhập cư trái phép xâm nhập đường hầm Eurotunnel để vượt Pháp vào Anh. Cảnh sát hai nước sẽ phối hợp trong các chiến dịch chống lại bọn buôn người.
Pháp - Anh bắt tay ngăn chặn nạn nhập cư lậu

Ngày 20-8, hãng Reuters đưa tin Anh và Pháp đã công bố các biện pháp mới nhằm ngăn chặn người nhập cư trái phép xâm nhập đường hầm Eurotunnel để vượt Pháp vào Anh. Cảnh sát hai nước sẽ phối hợp trong các chiến dịch chống lại bọn buôn người.

Cùng kiểm soát gắt gao

Theo thông cáo của Bộ Nội vụ Anh, cả London và Paris sẽ cùng đóng góp nguồn lực để lập ra trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở thành phố cảng Calais của Pháp. Trung tâm chỉ huy này sẽ là nơi để hai bên phối hợp hành động truy tìm và phá vỡ các băng nhóm tội phạm có tổ chức buôn người di cư vào miền Bắc nước Pháp và tổ chức cho họ vượt qua eo biển vào Anh. Những sĩ quan cảnh sát cấp cao của Pháp và Anh sẽ điều hành trung tâm chỉ huy trên và báo cáo trực cho Bộ trưởng Nội vụ hai nước.

Calais - điểm nóng về người nhập cư tại châu Âu.

Ngoài ra, cảnh sát Pháp còn tăng số lượng hàng rào, camera quan sát và thiết bị an ninh khác để bảo vệ lối vào đường hầm từ phía Calais. Cơ quan điều hành Eurotunnel (GETP.PA) cũng sẽ nhận được lệnh hỗ trợ trong trường hợp khẩn thiết để có thể điều động thêm nhân viên an ninh tham gia bảo vệ đường hầm Eurotunnel.

Với Anh và Pháp, Calais được xem là trọng điểm của cuộc khủng hoảng di dân, là điểm đến của hàng triệu người từ Syria, Libya, các quốc gia Trung Đông và châu Phi bị thúc ép phải rời bỏ đất nước bởi xung đột, khủng bố và nghèo đói. Theo thống kê gần đây, mỗi tuần, Italia và Hy Lạp phải đón hàng chục ngàn người di cư. Trong khi đó, Chính phủ Đức dự đoán số lượng người nộp đơn xin tị nạn tăng gấp 4 lần, lên mức kỷ lục 800.000 người trong năm nay.

Quá tải người di cư

 

Chính phủ Hungary vừa thông báo hàng ngàn cảnh sát nước này được tăng viện tới đường biên giới Serbia, nơi chính quyền đang tiến hành xây dựng một hàng rào thép ngăn chặn dân nhập cư. Chánh văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban cho hay, việc điều động thêm cảnh sát diễn ra là do “người nhập cư có thái độ hung hãn”.

 

Hàng ngàn người di cư hiện đang sống trong các ngôi lều tạm tại Calais, để chờ khi màn đêm xuống là nhảy lên xe tải, xe lửa hoặc thậm chí đi bộ 50km qua đường hầm Eurotunnel ngầm dưới biển để tới Anh. Không ít người đã phải bỏ mạng khi nỗ lực vượt đường hầm.

Làn sóng nhập cư tị nạn vào châu Âu đột ngột tăng vọt. Theo cơ quan biên phòng EU Frontex, trong tháng 7-2015, có ít nhất 107.500 người vượt biên, nhiều gấp ba so với tháng 7 năm ngoái. Hy Lạp gánh gần một nửa số người vượt biên. Gần một nửa số người nhập cư vào châu Âu qua các đảo Hy Lạp trên biển Egee như Kos, Samos, Chios hay Lesbos. Trong tuần qua có đến gần 21.000 người vượt biển đổ lên các đảo này. Riêng tại đảo Kos trong tuần vừa rồi đã có 7.000 người đến. Trên hòn đảo này, không có cơ sở hạ tầng dự kiến để tiếp đón và một khu tạm trú với 600 - 700 chỗ vừa được mở khẩn cấp.

Việc làm hồ sơ hết sức chậm do không đủ số lượng cảnh sát triển khai để tiếp nhận. Gần như không có hỗ trợ thực phẩm cho người tị nạn, ngoài một số chia sẻ ít ỏi của du khách và cư dân rủ lòng thương. Đa số người vượt biển tới Kos bằng xuồng cao su. Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn, đa số những người này sẽ nhận được quy chế tị nạn.

Cuối tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ tài chính Hy Lạp, nhưng nhiều nước thành viên không muốn thực thi các biện pháp do Ủy ban châu Âu đề nghị nhằm giảm tải cho Hy Lạp và Italia về vấn đề nhập cư.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục