Trong đó, tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang diễn biến đặc biệt phức tạp. Tuần qua là tuần thứ hai liên tiếp, châu Âu có hơn 1,3 triệu ca mắc Covid-19 được xác nhận, chiếm khoảng 46% tổng số ca mắc mới trên toàn thế giới. Số ca tử vong cũng tăng khoảng 35% so với tuần trước.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã buộc phải công bố quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 30-10 đến 1-12. Tổng thống Macron nhấn mạnh, mục tiêu của chính phủ là giảm số ca mắc Covid-19 trung bình từ 40.000 người/ngày hiện nay xuống còn 5.000 người/ngày. Tại Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn ở khắp 16 bang cả nước, theo đó chỉ cho phép tập trung ở nơi công cộng tối đa 10 người, giữ khoảng cách để đảm bảo mỗi 10m² chỉ có một khách hàng... Các nhà hàng phục vụ ăn, uống, các quán bar, quán rượu, câu lạc bộ và các khu trung tâm vui chơi giải trí, thể thao trong nhà và ngoài trời sẽ tạm thời đóng cửa. Chính phủ Italy cũng cân nhắc tái phong tỏa thành phố Milan và Napoli...
Liên quan đến vaccine phòng Covid-19, giới chức Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, chỉ một bộ phận người dân các quốc gia thành viên có thể được tiêm phòng Covid-19 vào trước năm 2022 trong trường hợp có vaccine. Trước đó, EU - với dân số khoảng 450 triệu người - đã được 3 hãng dược phẩm trong EU cam kết sẽ cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19. Ngoài ra, EU cũng đang đàm phán để đặt mua thêm 1 tỷ liều vaccine của các hãng khác. Trong lúc đó, Liên bang Nga đã nộp đơn lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để xin cấp phép đối với vaccine Sputnik V của nước này. Tại Ấn Độ, Công ty Sản xuất dược phẩm Dr Reddy’s Laboratories Ltd đã thông báo khung thời gian sơ bộ để Ấn Độ tiến hành các cuộc thử nghiệm vaccine Sputnik V của Nga, trong đó dự kiến hoàn tất giai đoạn thử nghiệm sau cùng sớm nhất vào tháng 3-2021.