Ngày 30-3, Chính phủ Mỹ và Pháp tuyên bố sẽ giúp Nhật Bản giải quyết hậu quả đang ngày càng nguy hại từ việc rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Tuyên bố này đến vào thời điểm Nhật công bố mức phóng xạ ở khu vực biển gần nhà máy Fukushima số 1 đã cao gấp 3.355 lần mức cho phép.
Dự kiến, vào ngày 31-3, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ đến Tokyo, trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến Nhật kể từ khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra vào ngày 11-3. Pháp cũng cử hai chuyên gia hạt nhân đến trợ giúp giải quyết sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima số 1. Mỹ đang cân nhắc quyết định gửi những robot dò tìm phóng xạ. Trong khi đó, Quyền trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Peter Lyons khẳng định chất plutonium có trong mẫu đất ở nhà máy Fukushima số 1 là không đáng ngại, thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản sẽ không làm thay đổi chính sách năng lượng của Mỹ.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết chính phủ và các chuyên gia hạt nhân đang nghiên cứu tính khả khi của những biện pháp như dùng một loại vải đặc biệt phủ lên các lò phản ứng hạt nhân để giảm lượng hạt phóng xạ phát tán, đồng thời sử dụng một xe bồn cỡ lớn để thu gom nước nhiễm phóng xạ. Chính phủ cũng thúc đẩy quốc hội nước này ban hành một luật mới xác định các khu vực bị tàn phá trong trận động đất và sóng thần là “vùng đặc biệt”, nhằm tạo thuận lợi cho công tác tái thiết các khu vực này. Luật này sẽ nới lỏng các quy định gây trở ngại cho các nỗ lực tái thiết, đồng thời áp dụng mức thuế ưu đãi đối với các vùng đặc biệt.
Cùng ngày, Cơ quan Thăm dò Địa chất Mỹ cho biết một trận động đất mạnh 6 độ richter đã xảy ra người khơi bờ biển Honshu, phía Đông Nhật Bản. Tâm trận động đất, ở độ sâu 30,3 km. Tính đến chiều 30-3, tổng số người thiệt mạng sau trận động đất và sóng thần lên tới 11.232 người và 16.361 người mất tích.
T.Hằng