Dự án nào lãnh đạo PMU18 cũng bắt nhà thầu “chung chi”

Dự án nào lãnh đạo PMU18 cũng bắt nhà thầu “chung chi”

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công an vừa báo cáo kết quả điều tra ban đầu vụ tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng tại PMU18 và Bộ GT-VT. Tuy kết quả điều tra mảng chạy án chưa có những chuyển biến rõ rệt nhưng mảng đưa, nhận hối lộ, cố ý làm trái đã có thêm nhiều tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án.

Dự án nào lãnh đạo PMU18 cũng bắt nhà thầu “chung chi” ảnh 1

Bùi Tiến Dũng

Kết quả điều tra ban đầu tại một số dự án do PMU quản lý cho thấy, dự án nào PMU cũng có dấu hiệu buộc nhà thầu phải “chung chi” số tiền lớn. Cơ quan điều tra đã thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy nguyên Tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng và một số cán bộ cấp dưới có dấu hiệu chiếm đoạt 9% (tương đương 18 tỷ đồng) giá trị một số gói thầu do PMU18 làm đại diện chủ đầu tư và nhà thầu SAMWHAN (Hàn Quốc) là đơn vị thi công.

Tại các gói thầu BC1, BC2 và cầu Phả Lại thuộc dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 18, cơ quan điều tra đã làm rõ Phạm Tiến Dũng, (nguyên trưởng phòng kế hoạch PMU18) và một số đồng phạm đã lập chứng từ khống, chiếm đoạt 3,9 tỷ đồng. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) cũng đã quyết định rút hồ sơ từ Kiểm toán Nhà nước về những sai phạm nghiêm trọng tại gói thầu quốc lộ 10, đoạn Nội Bài - Bắc Ninh. C14 cũng đang làm rõ việc các nhà thầu hối lộ Bùi Tiến Dũng để được nhận thi công các dự án của PMU18 quản lý.

Tại trại giam, Nguyễn Việt Tiến và Phạm Tiến Dũng thừa nhận đã cho mua 7 xe, sau đó điều động cho mượn, trốn thuế không nộp 4,8 tỷ  đồng. Còn Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng thì nhận đã ép nhà thầu mua 3 xe sang trọng, trái quy định để mang cho mượn. Hành động này gây thất thoát 3,726 tỷ đồng của nhà nước.

Liên quan đến hành vi cố ý làm trái trong sử dụng, mua sắm ô tô, các bị can đã khai nhận: Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng cấu kết với một số đối tượng tự ý mua xe không đúng chủng loại, vượt giá được phê duyệt và vượt số lượng cần thiết. PMU18 chỉ có trên 200 cán bộ nhưng đăng ký quản lý tới 123 ô tô. Theo quy định, sau khi phục vụ dự án phải chuyển giao Cục Công sản để làm thủ tục xử lý nhưng các bị can trên đã tự tiện cho mượn gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Liên quan đến hành vi đưa và nhận hối lộ, C14 đã có nhiều tài liệu chứng minh Bùi Tiến Dũng nhận hối lộ một căn biệt thự tại khu Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Cơ quan điều tra cũng phát hiện và đang điều tra việc Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng đã đưa tiền hối lộ một số cán bộ ở Bộ GT-VT để chạy chức, chạy dự án.
 
Đặc biệt, liên quan đến mảng “chạy án, chạy tội”, Bộ Công an khẳng định với Thủ tướng: Các đối tượng đã có kế hoạch chạy án, chuẩn bị tiền chạy án, bố trí người tiếp cận các cán bộ tố tụng. Tuy nhiên, đến nay chưa đủ cơ sở kết luận những người chúng tiếp cận đã nhận tiền chạy án nên cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra. Như vậy, đến nay, chưa có bằng chứng việc Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) và một số cán bộ khác trong ngành công an, kiểm sát nhận tiền chạy án. 

Tài liệu điều tra đến nay cho thấy: ngay ngày 13-12-2005, khi Bùi Quang Hưng bị bắt, Bùi Tiến Dũng đã điện cho Tôn Anh Dũng (Dũng “Huế, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Sông Đà) nhờ ra Hà Nội chạy tội cho Dũng. Hôm sau, Tôn Anh Dũng đã có mặt tại Hà Nội, được Vũ Mạnh Tiên và Lương Mạnh Hoa đưa 30.000 USD chạy án. Bùi Tiến Dũng cũng đưa cho Nguyễn Mậu Thôn (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Việt) 500 triệu đồng để chạy tội. Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Mậu Thôn còn đưa cho nguyên Phó trưởng Công an phường Ngã Tư Sở (Hà Nội) là Nguyễn Đình Toản 9.000 USD và 50 triệu đồng để Toản chạy án. Ông Toản và bị can Tôn đã nộp lại 9.000 USD và 980 triệu đồng.

NAM QUỐC

Các tin, bài liên quan của vụ PMU 18

Tin cùng chuyên mục