Phạt đến 100 triệu đồng hành vi đưa, môi giới hối lộ đối với doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước

Sáng 26-3, Hội thảo tham vấn xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 được Thanh tra Chính phủ chủ trì tổ chức tại Hà Nội. Vấn đề này thu hút sự quan tâm đặc biệt nên số đại biểu đến tham dự đông hơn nhiều so với dự kiến.


Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Luật PCTN 2018 giao Chính phủ quy định chi tiết 15 nội dung cụ thể, trong đó có nhiều nội dung mới và khó. Đây là sẽ nghị định duy nhất “gom” hết các nội dung rải rác trong một số nghị định hướng dẫn Luật trước đây để đảm bảo tính thống nhất, dễ thực hiện. Dự kiến, khoảng đầu tháng 5, dự thảo sẽ được hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Vẫn theo ông Liêm, Thanh tra Chính phủ rất cần ý kiến tham vấn ở một số vấn đề như các biện pháp phòng ngừa bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng, công ty đại chúng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập (hoặc phê duyệt điều lệ) có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (như về công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý doanh nghiệp khi để xảy ra hành vi tham nhũng). Quy định về thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật đối với các tổ chức, công ty nói trên trong trường hợp có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Các nhóm nội dung khác về trách nhiệm giải trình, đánh giá công tác PCTN, thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc chuyển đổi vị trí công tác, tạm thời đình chỉ công tác, đối với người có chức vụ, quyền hạn có vi phạm liên quan đến tham nhũng… cũng là nhóm vấn đề mà cơ quan dự thảo Nghị định muốn nhận được ý kiến đóng góp.

Đáng lưu ý, khi giải trình cụ thể hơn sau đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, Chương 10 của dự thảo Nghị định (về Xử phạt vi phạm hành chính và xử lý kỷ luật đối với hành vi tham nhũng và hành vi khác liên quan) là một nội dung rất mới. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực ngoài nhà nước sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt có thể lên đến 100 triệu đồng với một số tình tiết tăng nặng.   

Tin cùng chuyên mục