Phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc

Ngày 20-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp mặt các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà các đại biểu tại buổi gặp mặt già làng, trưởng bản ngày 20-4
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà các đại biểu tại buổi gặp mặt già làng, trưởng bản ngày 20-4
Phát biểu tại buổi tiếp ở Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về văn hóa dân tộc; ưu tiên dành nhiều nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đổi thay rõ rệt diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường; kinh tế ngày càng phát triển… 

Theo Chủ tịch nước, chính việc thực hiện có hiệu quả công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần quan trọng vào việc ổn định, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Đây cũng là một trong những nhân tố rất quan trọng để góp phần xây dựng các vùng nông thôn mới ở các tỉnh biên giới phía Bắc, đáp ứng tốt nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc không chỉ ở các vùng miền, biên giới phía Bắc mà trên phạm vi cả nước. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, nhiệm vụ công tác dân tộc cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi Bộ VH-TT-DL, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch nước yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư, giúp đỡ các tỉnh biên giới, miền núi; cấp ủy, chính quyền các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao hơn nữa để làm sao từng bước thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản và có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín trong các dân tộc thiểu số trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp tục được giao lưu, học tập kinh nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính cấp bách, thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín trong các dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt vận động đồng bào nơi cư trú thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, văn hóa dân tộc, đoàn kết dân tộc, quan tâm giáo dục thế hệ trẻ tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. 
Ngày 20-4, tại Hội thảo Giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập và phát triển do Bộ VH-TT-DL tổ chức, các đại biểu là già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên…) đã đưa ra nhiều kinh nghiệm quý trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người khỏi tình trạng có nguy cơ mai một, mất bản sắc văn hóa; đề xuất các giải pháp hữu hiệu, cơ chế chính sách đặc thù phù hợp để bảo tồn văn hóa các dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Nhiều đại biểu nhận định, thời kỳ hội nhập, văn hóa của cộng đồng các dân tộc có nhiều nguy cơ mai một, thậm chí là mất hẳn, nhiều người trẻ tuổi không am hiểu về chính văn hóa của dân tộc mình. “Mất đi văn hóa dân tộc có nghĩa là mất dân tộc, sẽ dẫn tới sự ra đời của một dân tộc “lửng” không thông thuộc văn hóa của dân tộc nào. Do đó, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào từng dân tộc phải có cách giáo dục, đào tạo để chính con em dân tộc mình thấm nhuần, hiểu được truyền thống, văn hóa quý báu của cha ông”, ông Mai Thanh Sợi, người có uy tín dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, chia sẻ. Theo ông Sợi, cần tổ chức, động viên đồng bào mỗi dân tộc tự sưu tầm, lưu giữ văn hóa của chính dân tộc mình; việc này nên thực hiện càng sớm càng tốt vì lớp người am hiểu phong tục tập quán của mỗi dân tộc đã cao tuổi… Đồng tình quan điểm này, nghệ nhân Lò Văn Biến (bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) - người đã dành cả đời nghiên cứu, lưu giữ và truyền dạy văn hóa cho các thế hệ đồng bào dân tộc Thái, cũng cho rằng việc bảo tồn cần phải tích cực và vào cuộc sát sao hơn nữa của các bộ, ngành…

                                                                                                                                   MAI AN

Tin cùng chuyên mục