Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng: Trường học là nơi ươm tạo đầu tiên của startup

Sáng 27-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (SHi) và Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu công nghệ cao Đà Nẵng tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp vận hành hiệu quả cho hỗ trợ khởi nghiệp khoa học và công nghệ tại Đà Nẵng. Hội thảo đưa đến những giải pháp vận hành hiệu quả, kết nối các tổ chức hệ sinh thái khởi nghiệp đặc biệt ở các trường đại học.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều đơn vị nhằm góp ý phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng
Hội thảo có sự tham gia của nhiều đơn vị nhằm góp ý phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng

Trường đại học là môi trường tiềm năng, có nhiều thuận lợi để phát triển hệ sinh thái, đào tạo nguồn nhân lực hệ sinh thái khởi nghiệp. Đối tượng tiếp cận với hệ thống đổi mới sáng tạo là những nhân tố tiềm năng. Các bạn trẻ, giáo viên là những người có tư duy sẵn sàng tiếp cận công nghệ và đổi mới tư duy.

Ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc SHi cho biết, học sinh- sinh viên, trường đại học là vùng nguyên liệu cực kì tiềm năng- tương lai đổi mới sáng tạo của mỗi địa phương. “Trường đại học nên là một đơn vị có chương trình ươm tạo giúp các bạn sinh viên nâng cao năng lực và tư duy kinh doanh, từ đó tìm kiếm tài năng, hạt giống đưa vào chương trình ươm tạo thành phố, quốc gia.” Ông Lý Đình Quân nhìn nhận sự tham gia của trường học có tác động lớn đến hệ sinh thái. Các trung tâm ươm tạo là nơi tư vấn chiến lược cho các trường đại học, tiếp nhận sinh viên thực tập và làm việc trong tương lai, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo ông Võ Đức Anh, Phó phòng quản lý công nghệ, Sở KH-CN Đà Nẵng cho hay, sinh viên tham gia vào cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng đông đảo. Cụ thể như: Startup Weekend, Startup Runway, Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học, gặp gỡ CEO với sinh viên… “Hiện nay, nhiều trường đại học nhận thức, có sự đầu tư mạnh mẽ về vấn đề khởi nghiệp. Tinh thần và văn hóa khởi nghiệp đang được hun đúc và thúc đẩy trong các buổi học chính, ngoại khóa, cuộc thi sinh viên tại các trường trên địa bàn Đà Nẵng”, ông Võ Đức Anh nhìn nhận.

Những năm gần đây, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) có nhiều hoạt động thực tiễn nhằm xúc tiến trở thành trường đại học khởi nghiệp vào năm 2024. Th.S Trương Tiến Vũ - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Trường ĐH Duy Tân cho biết, hiện nay trường vẫn là một đơn vị non trẻ trong hoạt động khởi nghiệp. Để giúp học sinh hiểu sau về ngành nghề, trường đưa những nội dung, bộ môn có liên quan đến khởi nghiệp vào chương trình học. Trong tương lai, trường sẽ phát triển không gian làm việc chung- không gian ươm tạo, xúc tiến lập công nghệ tại trung tâm nghiên cứu.

Lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Khởi nghiệp - Đại học Duy Tân và Công ty Cổ phần Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn (SHi)
Tại trường đại học, không chỉ học sinh được tiếp cận với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà giáo viên và lãnh đạo trường là những thành phần không thể thiếu. Những người lãnh đạo sẽ tạo điều kiện cho những tài năng, những người có tư duy đổi mới gặp nhau với những ý tưởng đặc biệt tạo nên cộng đồng khởi nghiệp thu nhỏ trong nhà trường.

Để tạo nên hệ sinh thái năng động thì các trường học cần liên kết với những đơn vị có sẵn nguồn lực và sự hỗ trợ về công cụ, phương pháp, chiến lược, cách vận hành, truyền thông, kết nối thị trường,...một cách nhanh chóng.

Là một trong đơn vị liên kết trường học, các trung tâm dịch vụ tổng hợp Khu công nghệ cao Đà Nẵng liên kết với các trường đại học trên địa bàn thông qua bản ghi nhớ về một số lĩnh vực. Ông Từ Thanh Thủy, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ Khu công nghệ cao cho biết, khu công nghệ cao sẽ cùng đồng hành triển khai cơ sở nền tảng thúc đẩy hoạt động ươm tạo, nghiên cứu khoa học trong khu vực. Dự kiến tháng 12, khu công nghệ cao nhận được khu nhà xưởng bàn giao giai đoạn 1 với 2.400 m2, 18 phòng để nghiên cứu, đầu tư, phát triển sản phẩm mẫu của startup.  

Hầu hết các trường đại học đều có chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học ở các cấp. Các sản phẩm nghiên cứu khoa học tại trường nếu không liên kết với những yếu tố, đơn vị hợp tác trong thực tiễn xã hội thì những sản phẩm này chỉ thành công ở vấn đề học thuật.

Các đề tài nghiên cứu khoa học tại trường đại học chỉ mang tính học thuật nếu không có sự tham gia tổ chức từ thực tiễn xã hội 
Để biến những nghiên cứu mang tính học thuật trở thành dự án thực tiễn, Tiến sĩ Trần Thị Phương Anh, Giám đốc PTKD Quốc tế vườn ươm Sông Hàn chia sẻ, môi trường đại học nên có một trung tâm chuyển giao tri thức và kết nối các quan hệ nguồn lực trong nước và quốc tế. Hệ sinh thái nên có những chính sách thực tiễn kết nối sự hợp tác, nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp.

Với bà Maryam Daryabery, chuyên gia tư vấn từ SWISS EP về mặt chiến lược, tư vấn starup ở nhiều địa phương tại Việt Nam nhìn nhận, đổi mới sáng tạo trong sinh viên rất cần thiết. Các trường đại học là nơi sáng tạo, cầu nối giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư biết đến dự án tiềm năng. Họ làm cho những dự án không chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Ngọc, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng nhìn nhận, thời gian qua, hệ sinh thái Đà Nẵng đã định hướng đúng khi đổi mới sáng tạo cần sự tham gia của doanh nghiệp, trường đại học,..đặc biệt là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa doanh nghiệp với startup vẫn có nhiều rào cản. Đà Nẵng nên có một cơ chế, chính sách và hướng dẫn chi tiêu cụ thể để doanh nghiệp hỗ trợ cho các startup, dự án tiềm năng một cách rõ nét, mạnh mẽ hơn.

Tin cùng chuyên mục