Phát triển nhà ở cần theo nhu cầu người dân

Ngày 6-10, Sở Xây dựng TPHCM tổ chức Hội thảo Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025 (gọi tắt là Chương trình). 
Hội thảo lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia nhằm hoàn thiện dự thảo chương trình nhà ở của TP để UBND TP thống nhất trình HĐND TP xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 12-2017 sắp tới.
Theo Trung tâm tư vấn nghiên cứu nhà ở (Bộ Xây dựng), đơn vị được Sở Xây dựng TPHCM thuê để xây dựng Chương trình, trong giai đoạn 2011 - 2015, TPHCM xây mới 39 triệu m2 sàn nhà ở, đạt diện tích bình quân 17m²/người; giai đoạn 2016 - 2020 xây mới đạt 40 triệu m² sàn nhà ở, diện tích bình quân 19,8m²/người. Tỷ lệ kiên cố hóa nhà ở đạt 75%, đất ở đô thị năm 2016 có 19.815ha, tỷ trọng đất ở 9,45%, dự kiến đến năm 2020 diện tích này tăng lên 24.060ha.
Trên địa bàn TP hiện nay, tỷ lệ nhà chung cư xây mới tăng dần trong những năm gần đây nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 25%, nhà phố riêng lẻ vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Theo định hướng phát triển trong thời gian tới, tại các quận nội thành chỉ phát triển nhà cao tầng tại các khu vực có kế hoạch xây dựng hạ tầng, đặc biệt dọc tuyến metro số 1. Tại các quận huyện hạ tầng không phát triển, sẽ không tăng thêm nhà ở nếu không phát triển hạ tầng. Ngoài ra, TP cần tập trung phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, nhóm đối tượng chính sách đặc biệt khó khăn về nhà ở. TP cũng cần có giải pháp về vốn, cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án mới, cải tạo chung cư cũ…
Phát triển nhà ở cần theo nhu cầu người dân ảnh 1 TP cần tập trung phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, nhóm đối tượng chính sách đặc biệt khó khăn về nhà ở
Tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo cần xem lại, bởi có quá nhiều nghiên cứu thiên về định lượng mà chưa nghiên cứu về định tính; xem xét phát triển nhà ở cần phải tìm hiểu một cách tổng quan về bức tranh dân số của TP; cần tìm hiểu động lực phát triển của từng khu vực. Bởi TP đã từng không định hướng phát triển mạnh khu vực Bình Tân, Bình Chánh, quận 12 nhưng thực tế hơn 10 năm trở lại đây, “hướng phụ” này lại trở thành hướng phát triển chính! Phát triển từng khu vực, từng phân khúc nhà ở nên để thị trường điều tiết… để đáp ứng nhu cầu của người dân. Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia và cho biết sẽ bổ sung, điều chỉnh dự thảo để phù hợp hơn.

Tin cùng chuyên mục