Từ tháng 4-2016, Dự án Sáng tạo khởi nghiệp cho thanh niên thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức “Phiên chợ xanh tử tế” tại TPHCM. Các phiên chợ này đã cung cấp cho người tiêu dùng TPHCM nguồn nông sản uy tín, chất lượng, kết nối hiệu quả giữa cung và cầu.
Kết nối cung - cầu
8 giờ sáng phiên chợ mới bắt đầu tại địa chỉ 163 Pasteur (phường 6, quận 3, TPHCM), vậy mà từ rất sớm, nhiều người dân đã có mặt ở đây để mong mua được những nông sản sạch, tươi ngon cho bữa ăn gia đình. Chị Mai Thu Trang (ở quận 1) tập thể dục buổi sáng xong là đến ngay đây để chờ chợ mở cửa, chị cho biết: “Vào chợ này, thấy món gì cũng muốn mua, không phải vì sản phẩm bắt mắt mà vì an toàn. Nhờ an tâm về chất lượng rau, củ nên khi ăn cũng cảm thấy ngon hơn nhiều”. Giơ chiếc giỏ chứa đủ loại rau củ, trái cây và cả gạo, dì Nhung (ở quận 11) vui vẻ nói: “Muốn ăn rau sạch mà chẳng biết mua ở đâu, nên tôi ra đây tranh thủ mua nhiều nhiều để cả nhà ăn dần. Phải đi xa một chút, giá cao một chút, nhưng an toàn, không hóa chất”.
Các sản phẩm tại “Phiên chợ xanh tử tế” được người tiêu dùng tin tưởng
Chị Nguyễn Thị Nhã (nông dân ở Củ Chi) đem tới chợ bán 50kg rau, mới chỉ sau hơn 1 giờ mở cửa, sạp rau của chị đã bán hết sạch. Chị Nhã thật thà cho biết : “Gia đình tôi làm nông bao đời nay. Mấy năm gần đây, nông dân trồng rau Củ Chi lao đao, đem rau ra chợ không cạnh tranh nổi vì rau xấu, còi cọc mà giá bán cao hơn rau củ ngoài chợ. Dù có giải thích rằng rau trồng không phun thuốc trừ sâu và thuốc kích thích nhưng người mua vẫn không tin tưởng. Nhiều khi cũng thấy buồn và bế tắc, nhưng chúng tôi không vì thế mà phun thuốc để làm đẹp rau. Ngay khi hay tin về “Phiên chợ xanh tử tế” chuyên bán nông sản sạch, tôi đăng ký tham gia ngay, với mong muốn qua đây người tiêu dùng sẽ tin tưởng vào sản phẩm rau quả của những gia đình canh tác truyền thống như chúng tôi. Nhờ khâu kiểm định sản phẩm rất kỹ lưỡng của đơn vị tổ chức mà người tiêu dùng an tâm mua dùng sản phẩm của chúng tôi”.
Cũng nhờ uy tín của phiên chợ, mới 9 giờ sáng, sạp rau hơn 100kg có nguồn gốc từ nông trại ở Bình Dương của Cửa hàng thực phẩm sạch Sơn Hà cũng hết sạch. 50kg rau trên sạp Hợp tác xã Ước mơ rau xanh của cô gái trẻ Nguyễn Thị Đào (ở Hóc Môn) cũng chỉ còn vài bó.
Nên nhân rộng mô hình
|
Sau phiên chợ đầu tiên, ban tổ chức đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, qua đó đã cung ứng sản phẩm sát hợp thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng. Các gian hàng đều tăng lượng sản phẩm bán ra gấp 3 - 4 lần mới đủ cung ứng. Bà Vũ Kim Anh, Chủ nhiệm Dự án Sáng tạo khởi nghiệp cho thanh niên, cho biết: “Hiện chợ có hơn 30 đơn vị đến từ hơn 10 địa phương của cả nước chính thức tham gia, với nhiều sản phẩm rau củ quả, mật ong, đồ khô và một số loại khô cá. Mỗi ngày đều có thêm đơn vị tới đăng ký tham gia; sau khi được chuyên gia kiểm định về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm thì các đơn vị này sẽ chính thức vào chợ. Mục tiêu phiên chợ là tìm đầu ra cho nông sản sạch, kết nối nông dân với các siêu thị, nhà hàng và người tiêu dùng. Cho tới thời điểm này, dự án đạt kết quả ngoài mong đợi. Với mức phí chỉ 100.000 đồng/ngày, nhiều người nông dân chân chất đã tiếp cận được với phong cách bán hàng chuyên nghiệp và cách xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình”.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, mỗi đơn vị đăng ký tham gia đều phải đăng ký kinh doanh hoặc gia nhập các câu lạc bộ, hợp tác xã tại địa phương, được các vệ tinh của dự án tại tỉnh xác minh thông qua Hội Khuyến nông tỉnh, nếu thấy quy trình sản xuất đảm bảo, sẽ có người của dự án cùng chuyên gia đi tới tận nơi để kiểm định trực tiếp, đạt nhu cầu thì sản phẩm mới được vào chợ. Ngoài ra, đến với phiên chợ xanh, các đơn vị, nông dân sẽ được tập huấn cách bán hàng, kinh nghiệm giao tiếp với khách hàng và được chuyên gia hướng dẫn thêm để hoàn thiện quy trình trồng trọt và đưa sản phẩm ra thị trường.
Tiếc rằng hiện nay phiên chợ chỉ mới hoạt động định kỳ 2 lần/tháng. Đây là một mô hình nên nhân rộng để cung ứng nông sản sạch cho nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn ở TPHCM.
THU HƯỜNG