Phiên tranh luận toàn thể của Đại hội đồng LHQ: Nhất trí trọng tâm của dự thảo nghị quyết đối với Syria

Phiên tranh luận toàn thể của Đại hội đồng LHQ: Nhất trí trọng tâm của dự thảo nghị quyết đối với Syria

Các nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc đã nhất trí về trọng tâm trong bản dự thảo nghị quyết nhằm buộc Syria từ bỏ vũ khí hóa học. Dự kiến dự thảo nghị quyết có thể sẽ sớm được trình lên toàn thể hội đồng và đại diện 5 nước ủy viên thường trực cũng sẽ gặp nhau vào hôm nay 27-9 để thảo luận về một hội nghị hòa bình Syria như đã đề xuất ở Geneva.

        Để ngỏ khả năng trừng phạt Syria

Thỏa thuận trên đạt được sau khi ngoại trưởng của 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ gặp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon. Tuy nhiên, nội dung dự thảo để ngỏ khả năng cân nhắc các biện pháp trừng phạt Syria theo Chương VII trong Hiến chương LHQ nếu chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không tuân thủ kế hoạch tiêu hủy vũ khí hóa học của Nga và Mỹ.

Trong khi đó, phái đoàn thanh sát viên vũ khí của LHQ đã tới Syria để tìm bằng chứng về các vụ tấn công bằng khí độc. Theo chương trình, các thanh sát viên sẽ tới 14 địa điểm tại ngoại ô thủ đô Damacus nghi đã bị tấn công vũ khí hóa học. Nhóm chuyên gia LHQ hy vọng có thể đệ trình bản báo cáo cuối cùng làm sáng tỏ mọi các cáo buộc trên, “có khả năng vào cuối tháng 10 tới”.

Hiện trường một vụ không kích ở tỉnh Hama, Syria, ngày 25-9.

Hiện trường một vụ không kích ở tỉnh Hama, Syria, ngày 25-9.

Bên lề khóa họp lần thứ 68 của Đại hội đồng LHQ, nhiều nước đã cam kết tăng viện trợ nhân đạo cho Syria. Anh tuyên bố khoản viện trợ bổ sung trị giá 100 triệu bảng (160 triệu USD), nâng tổng số viện trợ nhân đạo của nước này cho Syria lên hơn 500 triệu bảng. Trước đó, Mỹ cũng thông báo gói viện trợ bổ sung 340 triệu USD, nâng tổng số viện trợ của Mỹ cho Syria lên hơn 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, LHQ cảnh báo ngân sách cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Syria hiện vẫn thiếu trầm trọng vì hiện có hơn 2 triệu người dân nước này đang phải sống trong các trại tỵ nạn tại các nước láng giềng, trong khi 6 triệu người còn ở trong nước cũng hết sức khó khăn.

        Mỹ tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí của LHQ

Sau nhiều tranh cãi và bỏ qua sự phản đối trong nước, chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định tham gia Hiệp ước buôn bán vũ khí của LHQ, tăng cường kiểm soát hoạt động xuất khẩu các loại súng và vũ khí thông thường khác. Hiệp ước yêu cầu những nước tham gia ký kết phải thiết lập những quy tắc nhằm kiểm soát xuất, nhập khẩu các loại xe tăng, xe bọc thép chiến đấu, máy bay, tàu chiến, các hệ thống tên lửa và pháo, và vũ khí tiểu liên và hạng nhẹ.

Phát biểu sau khi đặt bút ký văn kiện này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực củng cố hòa bình thế giới khi hoạt động xuất khẩu vũ khí được kiểm soát chặt chẽ hơn để không bị rơi vào tay khủng bố hoặc các đối tượng cực đoan. Mỹ hiện là nước xuất khẩu các loại vũ khí thông thường lớn nhất thế giới với doanh thu 90 tỷ USD, chiếm khoảng 30% thị phần toàn cầu. Mỹ, quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, trở thành nước thứ 91 tham gia hiệp ước này. Theo nguồn tin từ Reuters, ngoài Mỹ, 16 quốc gia khác cũng đã ký hiệp ước, nâng tổng số các nước ký kết lên 107.

Tuy nhiên, văn kiện này cần phải vượt qua rào cản tại Thượng viện Mỹ để chính thức có hiệu lực. Thượng viện, cùng với Hiệp hội súng trường Hoa Kỳ (NRA) lên tiếng chỉ trích việc tham gia công ước sẽ xâm phạm quyền được sở hữu súng của công dân Mỹ.

HẠNH CHI (tổng hợp)

>> Phiên tranh luận toàn thể của Đại hội đồng LHQ: “Nóng” vấn đề Syria, Iran

Tin cùng chuyên mục