Philippines khủng hoảng sau bão Haiyan

3 ngày sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ, Philippines phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng cùng với nạn hôi của do thiếu lương thực, nước uống tại những khu vực bị tàn phá nặng nề.
Philippines khủng hoảng sau bão Haiyan

3 ngày sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ, Philippines phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng cùng với nạn hôi của do thiếu lương thực, nước uống tại những khu vực bị tàn phá nặng nề.

        Tranh cướp đồ ăn, dịch bệnh chầu chực

Theo hãng tin AFP, tình trạng cướp bóc đã xảy ra tại Tacloban, có dân số 220.000 người dân. Khu vực này có đến 90% nhà cửa bị phá hủy, trong khi xác người trôi nổi khắp nơi. Các siêu thị, cửa hàng tạp hóa là mục tiêu tấn công điên cuồng của người dân vốn đang phải chịu đói do nhu yếu phẩm chưa tới kịp do sân bay, đường bộ bị phá hủy gây cản trở việc cứu hộ. Trật tự tại Philippines hoàn toàn bị phá vỡ. Nhiều người lo ngại chỉ vài ngày nữa người dân sẽ giết hại nhau vì đồ ăn. Tổng thống Philippines Aquino buộc phải cân nhắc việc thiết quân luật để ngăn chặn tình huống xấu nhất xảy ra sau siêu bão có thêm nhiều người chết chỉ vì tranh cướp cái ăn. Ông Aquino thừa nhận nạn hôi của hiện là mối lo lớn của chính quyền trong bối cảnh chỉ 20 cảnh sát trong lực lượng gồm 390 sĩ quan của địa phương chịu làm việc. Hàng trăm cảnh sát và binh lính đã được huy động đến Tacloban kiểm soát tình hình. Ngày 11-11, ông Aquino tuyên bố đây làm thảm họa quốc gia.

Tranh cướp đồ ở một cửa hàng tại Tacloban.

Tranh cướp đồ ở một cửa hàng tại Tacloban.

Sau cơn bão, nỗ lực cứu hộ rất khó khăn. Trực thăng cũng đang cố tiếp cận các vùng bị thiên tai ảnh hưởng. Cuộc chạy đua tìm nạn nhân sống sót vẫn tiếp diễn. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Tacloban và các khu vực bị bão ảnh hưởng khác của Philippines lớn hơn nhiều so với bất kỳ thiên tai nào khác xảy ra những năm gần đây. New York Times trích dẫn thông cáo từ một nhóm đánh giá thảm họa của Liên hiệp quốc cho biết, lần cuối chứng kiến một thảm họa có quy mô lớn như vậy là vụ sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương khiến hơn 500.000 người chết ở Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Somalia, Myanmar…

Như mọi cơn bão khác, bão Haiyan đi qua đã để lại nhiều nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm. Các trại sơ tán quá tải không được vệ sinh phù hợp, chính quyền nước này đang lo ngại có thể bùng phát các bệnh trùng xoắn, tiêu chảy, tả, viêm gan A, sốt thương hàn, kiết lị. Trẻ em và phụ nữ mang thai là hai đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Haiyan là bão mạnh nhất trên thế giới năm 2013. Nó cũng là một siêu bão tàn khốc nhất tràn vào đất liền trong lịch sử từ trước tới nay, vượt trội về sức gió so với 3 siêu bão được ghi nhận mạnh nhất trước đây gồm siêu bão Tip (1979), bão Camille (1969) và bão Allen (1980).

        Chuẩn bị ứng phó cơn bão mới

Ngày 11-11, giới chức các tỉnh miền Nam Philippines đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng khẩn trương chuẩn bị ứng phó với cơn bão nhiệt đới Zoraida đang tiến về phía Đông đảo Mindanao. Riêng tại tỉnh Compostela Valley, công tác sơ tán người dân đang được thực hiện tại các khu vực dễ xảy ra lũ lụt và lở đất. Cơ quan khí quyển, địa vật lý, thiên văn của Philippines đã nâng mức cảnh báo bão lên cấp 1 đối với 3 tỉnh trên cũng như 13 khu vực khác ở đảo Mindanao thuộc miền Nam và các khu vực ở Visayas thuộc miền Trung nước này.

Tâm bão Zoraida được xác định nằm cách thị trấn Hinatuan của tỉnh Surigao del Sur 830km về phía Đông Nam và dự kiến sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 30km/giờ. Dự báo, bão Zoraida có thể sẽ di chuyển theo hướng mà siêu bão Haiyan đã đi cuối tuần trước.

        Cộng đồng quốc tế nỗ lực cứu trợ

Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) gửi một lượng lớn lều bạt trú ẩn khẩn cấp và trang thiết bị vệ sinh, đủ cho nhu cầu của 10.000 hộ gia đình, dự kiến sẽ tới Philippines vào đầu tuần. Ngoài khoản tiền mặt 100.000USD đã được chuyển cho tỉnh Leyte, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của trận bão, USAID cũng đang chuyển 55 tấn thực phẩm khẩn cấp xuống tàu đủ cung cấp cho khoảng 20.000 trẻ em và 15.000 người lớn Philippines trong vòng 5 ngày.

Ngoài các khoản viện trợ của chính phủ, nhiều tổ chức cứu trợ của Mỹ như Hội Chữ thập đỏ Mỹ, tổ chức World Vision cũng đã phát động chiến dịch quyên góp với mục tiêu đủ hỗ trợ cho 400.000 người dân Phillipines và dự kiến chuyến hàng cứu trợ đầu tiên sẽ tới nước này trong ngày 11-11.

Ủy ban châu Âu (EC) đã cứu trợ khẩn cấp cho Philippines 3 triệu EUR nhằm giúp cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý thiên tai và tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết bước đầu nước này sẽ gửi 1.000 chiếc lều, 8.000 tấm chăn và 1.000 bộ dụng cụ nhà bếp cùng với lương thực cứu trợ đến người dân Philippines. Một nhóm chuyên gia y tế Nhật Bản với khoảng 25 người gồm các bác sĩ, y tá và dược sĩ sẽ được cử đến Philippines nhằm giúp đỡ những khu vực bị thiệt hại nặng nề. Trước đó, ngày 10-11, hai quan chức từ Bộ Ngoại giao và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã đến Philippines để xem xét tình hình.

THANH HẰNG (tổng hợp)

>> Philippines: Số người chết do bão Haiyan có thể là 10.000

>> Siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines  

Tin cùng chuyên mục