Là bộ phim nằm trong danh mục các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Khát vọng Thăng Long (ý tưởng kịch bản: Lưu Trọng Ninh, biên kịch Phan Đăng Di và nhóm biên kịch Khát vọng Thăng Long; đạo diễn: Lưu Trọng Ninh (ảnh); Công ty Kỷ Nguyên Sáng đại diện nhóm đầu tư và là nhà sản xuất) đang gấp rút chuẩn bị cho ngày bấm máy…
Thành tâm cho đại lễ
Khát vọng Thăng Long nói về cuộc đời vua Lý Công Uẩn từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, lên ngôi vua và quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.
Nhà sản xuất cho biết, bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo cho việc thực hiện bộ phim nhựa Khát vọng Thăng Long, 100 tập phim phóng sự đi kèm đã được ghi hình (về các khâu chuẩn bị, tuyển diễn viên, chọn cảnh, dựng phim trường, may trang phục…) để phát sóng liên tục trên cả VTV và HTV, bắt đầu từ tháng 4 này.
Các tập phim phóng sự này (10 phút/tập) do đạo diễn Phạm Việt Thanh thực hiện và Hãng phim Chánh Phương sản xuất. Sau mỗi tập phóng sự sẽ có câu hỏi dành cho khán giả xem đài dự đoán. Đó chính là lý do mà thành phần diễn viên chính, phụ của bộ phim đến nay vẫn chưa được công bố. Đoàn phim đã casting 3.000 người và công tác tuyển chọn diễn viên vẫn đang tiếp tục.
Theo tiết lộ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, sẽ có nhiều diễn viên nổi tiếng của cả hai miền Nam - Bắc tham gia trong Khát vọng Thăng Long. Ngoài đạo diễn chính là Lưu Trọng Ninh còn có 5 phó đạo diễn là Việt kiều và người nước ngoài; phụ trách phần hành động trong phim có 2 đạo diễn riêng; quay phim cũng là người nước ngoài và Việt kiều. Nhà sản xuất cũng đã mời chuyên gia kỹ thuật của Hollywood để hỗ trợ phần kỹ thuật và tư vấn cho nhà sản xuất khi đưa bộ phim này ra chiếu ở nước ngoài.
Kinh phí thực hiện bộ phim Khát vọng Thăng Long dự kiến từ 50 – 60 tỷ đồng, trong đó chi phí cho phần kỹ xảo chiếm phần khá lớn (toàn bộ kỹ xảo của phim được làm tại Mỹ và Hàn Quốc). Bối cảnh phim được quay tại nhiều nơi như: Ninh Bình, Hoa Lư, Đền Đô, Buôn Ma Thuột, làng mạc đồng quê Bắc bộ…
Trong phim sẽ có hai đại cảnh lớn là hai trận chiến, với diễn viên quần chúng lên tới 10.000 người và có cả voi, ngựa. Bà Lệ Hằng, Giám đốc Hội Truyền thông TP Hà Nội - đơn vị bảo trợ thông tin - chia sẻ: “Khát vọng Thăng Long thành công đến đâu chưa biết nhưng chúng tôi rất thành tâm và hết lòng vì bộ phim này”. Khát vọng Thăng Long dự kiến quay trong vòng 2 tháng và sẽ ra rạp vào tháng 10 năm nay.
Sẽ có phim truyền hình về vua Lý Công Uẩn
Vậy là sau những ồn ào không đáng có, trong ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng đã chính thức có một phim truyện nhựa về vua Lý Công Uẩn - người có công dời đô, định đô. Vấn đề đáng hoan nghênh ở chỗ, bộ phim được thực hiện không bằng kinh phí đầu tư của nhà nước mà bằng kinh phí xã hội hóa.
Trong khi Khát vọng Thăng Long rục rịch bấm máy thì một bộ phim khác về Lý Công Uẩn cũng chuẩn bị đóng máy. Đó là bộ phim Đường đến Thăng Long do phía Trung Quốc bỏ tiền đầu tư (tác giả kịch bản và đạo diễn cũng là người Trung Quốc) và được quay chủ yếu tại Trung Quốc. Phần đông tham gia trong phim là các diễn viên Việt Nam, trong đó có Trung Hiếu, Tiến Lộc, Hoàng Hải… Phim về vị vua Việt Nam, lại được viết kịch bản, đạo diễn bởi toàn bộ người nước ngoài khiến không ít người quan tâm về định hướng tư tưởng của bộ phim.
Một bộ phim khác nói về vua Lý Công Uẩn, cũng với mong muốn dâng lên ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và do tư nhân đầu tư là phim truyền hình 70 tập: Huyền sử thiên đô (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Phạm Thanh Phong, Công ty Sao Thế Giới sản xuất). Bộ phim đã được chuẩn bị từ hơn 1 năm nay, với kinh phí dự kiến 60 tỷ đồng và sẽ được bấm máy vào tháng 4 tới.
NHƯ HOA