Được làm bằng kinh phí 6 tỷ đồng do nhà nước đặt hàng, Những đứa con của làng đem lại sự hài lòng cho người xem về sự chỉn chu khi thực hiện và cách khai thác câu chuyện mạnh về yếu tố tâm lý, đem lại nhiều cảm xúc cho người xem. .
Mở đầu phim là cuộc “diễu hành” do ông Thập (Trung Anh đóng) dẫn đầu, nhắc nhở về một quá khứ đau thương với 104 người trong làng Hà bị chết. Nguyên nhân là do ông Đồng dẫn lính về làng gây nên thảm cảnh này. Đoàn người đi trong tiếng hô đồng thanh: “20 tháng 6 sáu lăm (1965), làng mình chết hết một trăm bốn người, ai đem máu chảy đầu rơi, cả làng phải nhớ đời đời không quên”. Tiếp đến là cảnh trong nghĩa trang của 104 người, lần lượt từng người trong làng cầm gậy đánh vào ngôi mộ to nhất - mộ chôn ông Đồng. Phía bên kia bờ sông, Đông - con trai ông Đồng (Trần Bảo Sơn đóng) ngậm ngùi đợi trời tối hẳn mới dám bơi qua sông, thắp cho cha nén nhang. Nhang chưa kịp tàn, anh đã phải chạy tháo thân vì ông Thập cho trai làng đuổi đánh kỳ cùng…
Câu chuyện phim được mở ra với những bi ai, oán hận tưởng không thể xóa nhòa và tiếp theo đó là hàng loạt những tình tiết đẩy mâu thuẫn lên thành cao trào: Chiếc cầu 2 năm xây dựng vẫn mãi dở dang, kế bên là chiếc cầu phao do anh Bè (Huy Cường), tính tình hơi tưng tưng, cặm cụi, kiên nhẫn làm bằng những chiếc thùng phuy và ván gỗ được anh chịu khó lượm lặt, bất chấp chiếc cầu bao phen tan hoang sau những đêm mưa lũ.
Cô Bưởi (Thúy Hằng), con gái ông Thập, ngày ngày chèo thuyền đưa khách sang sông, bị đuổi khỏi làng phải ra sống tại cái chòi xập xệ nơi góc nghĩa địa, vì có bầu. Đông bao phen bị đuổi đánh vẫn nhất định ở lại, nhẫn nhịn cầu xin ông Thập cho anh được bốc mộ cha ra khỏi làng… Dù oán hận, cố chấp, nhưng chính ông Thập cũng tự mình đối diện với lương tâm mình, để thấy, cuộc sống của ông cũng chẳng ngày nào yên. Và rồi, chỉ có sự yêu thương, mở lòng mới có thể hóa giải mọi điều. Nếu không có sự thấu hiểu của Đông, của Bưởi; không có sự chia sẻ, tận tình của Bè, mãi mãi ông Thập sống trong thù hận.
Chi tiết ông Thập đồng ý cho Bè phá quan tài mà ông rất quý để lấy ván làm cầu, ông đồng ý để Đông lấy ô tô chở Bưởi đi cấp cứu và chi tiết Bè tế con gà trống - người bạn thân thiết duy nhất của anh, trước khi làm thịt nấu cháo cho Bưởi, là những chi tiết cảm động và rất tình người, chạm được vào cảm xúc của người xem, làm bật lên được ý nghĩa về sự bao dung, về tình yêu thương chia sẻ trong lúc khó khăn hoạn nạn.
Nếu cảnh ông Thập đồng ý cho Đông được bốc mộ cha, chỉ thuần túy mang tính chất hóa giải hận thù thì ngay sau đó là việc ông không cho bốc mộ đi, thay vào đó là việc ông chấp nhận Đông và ông Đồng là một trong những đứa con của làng, phải để làng chăm sóc lại mang ý nghĩa lớn lao hơn về sự cảm thông, thấu hiểu và tinh thần kết nối giữa hai thế hệ.
NHƯ HOA