Phim “Những thiên thần áo trắng”: Những học sinh... không giống ai!

Phim “Những thiên thần áo trắng”: Những học sinh... không giống ai!

Bộ phim truyền hình nhiều tập “Những thiên thần áo trắng” của đạo diễn Lê Hoàng đã chính thức phát sóng lúc 21 giờ 30 từ ngày 2-3 trên kênh VTV3 vào các ngày thứ hai, ba, tư hàng tuần. Một bộ phim được chờ đợi bởi người thực hiện nó chính là Lê Hoàng.

Khi “học sinh quan trọng hơn giáo viên”

“Những thiên thần áo trắng” (40 tập) lên sóng khá chậm đã trở thành lý do để xuất hiện tin đồn phim bị “cắt sóng”. Tuy nhiên, việc VTV3 công bố lịch chiếu đã xóa đi những đồn đại không mấy thiện cảm nhắm đến đạo diễn này...

Một vài tập phim đầu giới thiệu trước đến báo giới đã phác họa phần nào chân dung “Những thiên thần áo trắng”. Bộ phim nói về một lớp học cuối cấp tại một trường trung học tư thục. Những cô cậu học trò lớp 12 của lớp học đã làm nên những điều khá “lạ”. Đó là, tự do nói lên những suy nghĩ, tranh luận với thầy cô nếu vấn đề thầy cô đưa ra không thuyết phục, không phải nghe thầy cô nói những điều đã có trong sách vở, không bị ép học thêm, bị trù dập… Nói chung đó là những vấn đề còn tồn tại của giáo dục Việt Nam.

Lớp học “trong mơ” của đạo diễn Lê Hoàng...

Lớp học “trong mơ” của đạo diễn Lê Hoàng...

Điều đặc biệt, người phát ra tuyên ngôn, cách tân nền giáo dục lại không phải thầy cô, cha mẹ mà chính là các học sinh. Để lớp học trở thành chỉ có trong mơ, các giáo viên đều hưởng ứng sự cách tân này, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp 12A và cô hiệu trưởng cùng với tuyên bố “ở trường này học sinh quan trọng hơn giáo viên”. Mượn hình ảnh một học sinh từ nước ngoài về mang theo sự tiến bộ, tư tưởng tự do, dân chủ để làm thay đổi những quan điểm xưa cũ, đầy rẫy những khuyết điểm khiến nền giáo dục nước nhà không thể phát triển…, đạo diễn Lê Hoàng đã làm nên sự độc đáo đối với các nhân vật. Tình huống July Miu đứng lên tự vận động tranh cử vị trí lớp trưởng cho thấy tư tưởng tiến bộ, đồng thời cũng vạch ra nhược điểm thiếu tự tin của hầu hết học sinh VN hiện nay…

Những học sinh nhan nhác... Lê Hoàng

Đó phải là những học sinh cực kỳ sắc sảo. Những học sinh khi cần có thể khiến cho giáo viên bị buộc thôi việc… Chính vì vậy mà 25 học sinh của lớp 12A nói chung và 7 gương mặt chính trong phim nói riêng đều mang hình ảnh của đạo diễn Lê Hoàng với những phát ngôn theo kiểu… Lê Thị Liên Hoan (bút danh trên báo của đạo diễn Lê Hoàng). Đó là những phát ngôn đầy tính triết lý, đầy vẻ châm chọc.

Đạo diễn Lê Hoàng lý giải: “Nếu là trẻ chăn trâu mà nói kiểu đó thì phi lý nhưng đây lại là những học trò thông minh, xuất sắc. Ngôn ngữ trong phim truyền hình của ta cực kỳ dở, không văn chương, không hóm hỉnh. Nếu phải chọn giữa ngôn ngữ thoại thông minh và tầm thường thì tôi chọn sự thông minh…”.

Tuy nhiên, rõ ràng các bạn học sinh trong phim lý sự quá nhiều, nói quá nhiều đã biến ưu điểm “ngôn ngữ thông minh” thành nhược điểm mà những ai xem qua mấy tập đầu đều có thể nhận ra. Người xem cảm thấy… phát mệt vì những lý luận quá già dặn làm mất đi sự hồn nhiên của tuổi học trò.

Thêm vào đó, phim hình thành một loạt những nhân vật không hề có cá tính riêng. “Nếu xem cả 40 tập thì sẽ thấy sự sắc sảo khác nhau của mỗi nhân vật”, Lê Hoàng biện minh. Dù nói theo cách của đạo diễn thì đây là một lớp học không có thật, một lớp học chỉ có trong mơ, song cách thay đổi tư duy của cả thầy lẫn trò một cách quá dễ dàng (chỉ với sự xuất hiện của một cô bé từ nước ngoài về) khiến cho phim mất đi sự lôi cuốn.

Bỏ qua những tiểu tiết như trang phục dành cho nữ quá chật chội, đoạn generic các học sinh đạp xe dàn hàng ba trên đường phố vi phạm luật giao thông…, người xem, nhất là giới học sinh có thể tìm thấy trong phim những thông điệp của riêng mình. Cách làm phim khá mới so với phim truyền hình VN, mỗi tập là một câu chuyện riêng biệt, mỗi kết thúc là một nút thắt tạo sự tò mò để khán giả theo dõi tập tiếp theo.

Dàn diễn viên trong phim trẻ trung, xinh đẹp và diễn xuất tốt là điểm mạnh của bộ phim này. Mới chỉ vài tập phim chưa thể đưa ra kết luận song những thông điệp mà bộ phim đưa ra chắc chắn sẽ không phải chỉ để cho vui. Sự tranh cãi, sự phản ứng, sự đồng tình… (nếu có) cũng là điều dễ hiểu.

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục