Phim tài liệu Việt Nam thời bao cấp: Nghĩ về một cách nhìn quá khứ

Tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam diễn ra ở TP Đà Nẵng trung tuần tháng 11 vừa rồi, với mảng phim phóng sự - Tài liệu, bộ phim Việt Nam thời bao cấp (kịch bản Đào Thanh Tùng, đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương) tuy chỉ giành giải Bông sen bạc, nhưng đã để lại nhiều ấn tượng. 
Với một đề tài phức tạp, trải nhiều năm tháng như thế, hẳn các tác giả không mang tham vọng mổ xẻ, phân tích cái được, cái mất, nguyên nhân khách quan, chủ quan; những bài học bổ ích rút ra từ một giai đoạn lịch sử mà cả dân tộc và xứ sở đã trải qua suốt vài chục năm. Tham vọng ấy, xin hãy dành cho các công trình nghiên cứu đông người, qua nhiều lần hội thảo, qua nhiều cuộc tranh cãi và thiết tưởng, cũng chỉ bằng chữ nghĩa, giấy trắng mực đen mới làm nổi. Những nhà làm phim tài liệu, với vũ khí là hai yếu tố nghe và nhìn đã biết tìm ra cách đi riêng của mình: Khơi gợi để nhớ lại và sau đó suy ngẫm một chút. 
Xem Việt Nam thời bao cấp thấy ngay việc chọn lựa người kể chuyện này là đa dạng, dân chủ, không áp đặt chủ quan và người xem tin cậy được. Đó trước tiên là nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, người đã mấy chục năm nay nổi tiếng với việc sưu tầm, gìn giữ những hiện vật của thời bao cấp. Đó là ông Doãn Chí Thành, người có thâm niên tại một bảo tàng ở Hà Nội. Hai nhân chứng này “móc nối” giúp chúng ta được nghe chuyện của những nhân chứng khác. Đó là những người bán nhu yếu phẩm tối thiểu (gạo, vải, thịt, dầu thắp…), như  bà Huệ - bán thịt, bà Thịnh - bán gạo Nhiệm, bà Hiền - bán rau, bà Tâm - bán vải… Trên màn ảnh hiện ra những cuốn sổ gạo, những tờ tem mua thực phẩm, Cửa hàng bách hóa tổng hợp Hàng Bài, Cửa hàng bách hóa tổng hợp số 5 đường Nam Bộ... 
Phim tài liệu Việt Nam thời bao cấp: Nghĩ về một cách nhìn quá khứ ảnh 1 Cảnh trong phim: Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần xuống cơ sở
Gạo ư? Một tháng lao động nặng 21kg, cán bộ 17kg, dân thường 14,5kg, trẻ em mới sinh 4kg nhưng phải mua bằng bột. Cả nhà mỗi tuần được mua 1,2 lạng thịt; một tháng/kg đậu phụ, 5 lít dầu thắp; một năm cán bộ được mua 5m, dân thường 4m vải. Phim cũng không lảng tránh hoặc che giấu bớt những “nỗi trần gian” khi các tác giả để chứng nhân nhắc lại những dẫn dụ, những cách ví von, những chuyện tiếu lâm xưa. Ví như trong một gia đình, anh chị em có thể mượn nhau cái áo, cái quần mặc mỗi khi ra đường; chuyện cơ cực khi mất sổ gạo; chuyện ăn quá ít chất đạm, chóng đói, nên mỗi bữa phải ăn tới 4-5 bát cơm, mà cơm lại không đủ. Cả những giai thoại đã thành lời ca, tiếng hát xót ruột, buốt lòng như: Một yêu anh có may ô/Hai yêu anh có cá khô ăn dần/Ba yêu rửa mặt bằng khăn/Bốn yêu bàn chải đánh răng hàng ngày…  
Ấy vậy, nhưng ngay trong câu chuyện kể lại của những người trực tiếp với “giai tầng dưới đáy” vẫn lấp lánh sáng lên “những hạt mẩy vàng” sự bình đẳng, công bằng của một thời kỳ đồng cam cộng khổ. Bà bán gạo kể rằng, việc cân đong gạo phải do những người được tin cậy, những cán bộ đảng viên đảm trách. Mất sổ gạo, muốn được cấp lại phải có chữ ký xác nhận của ông tiểu khu, ông công an khu vực, phòng lương thực, của ngay nơi bán gạo… Bà “phe” vé ngày xưa, tức hành nghề mua bán tem phiếu nhà nước cũng được biện minh bởi bà “cũng là một mắt xích cần thiết trong khâu phân phối” và bằng đồng tiền kiếm được, bà đã nuôi nổi mấy mặt con đi bộ đội hoặc làm cán bộ nhà nước… 
Không có giọng điệu giễu cợt, phỉ báng, càng không có sự cường điệu để gây hằn học, thù oán, “đào đất đổ đi” trong câu chuyện kể lại của các nhân chứng. Cả người kể và người xem phim đều gắng kìm nén những cảm xúc nghẹn ngào, rưng rưng, chỉ muốn trào nước mắt. Trước hết, thấy thương xót và xen lẫn tự hào vì cha mẹ, anh chị và nhiều người trong chính chúng ta đã từng chịu đựng kham khổ, cơ cực ấy mà vẫn “trụ” vững qua mưa bom bão đạn chiến tranh. Càng thương cảm hơn, tự hào hơn, đám em gái, em trai đã từng thiếu ăn thiếu mặc nhưng khi ra trận vẫn gan góc, kiên cường trước hòn tên mũi đạn, để khi ngã xuống mà chưa một lần hưởng những gì người còn sống được hưởng hôm nay. Những nhân chứng kia còn như gặp nhau ở cùng một điểm, thiếu thốn, kham khổ như vậy nhưng tình người thương yêu, đùm bọc, san sẻ với nhau như là một điểm sáng không bao giờ quên được của những năm tháng đó.
Bộ phim Việt Nam thời bao cấp còn có phần 2, đề cập đến các nguyên nhân dẫn tới  nền kinh tế tập trung bao cấp kia và những biện pháp tháo gỡ để chuyển qua thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập. Nhưng trước đó, phim còn trăn qua trở lại một điều khác: Thời bao cấp chỉ bắt đầu từ cuối năm 1954 và đã kết thúc sau ngày 30-4-1975? Không, “căn bệnh nan y” này và hậu quả khôn lường của nó, miền Nam còn phải hứng chịu, còn kéo dài tới tận cuối năm 1988, khi cuốn sổ gạo và các con tem phân phối nhu yếu phẩm bị quét sạch sành sanh khỏi đời sống xã hội. Chúng tôi đánh giá cao tính quyết liệt, triệt để, đòn phản kích cuối cùng của bộ phim Việt Nam thời bao cấp còn ở điểm này. Để dẫn tới một sự dứt khoát, vĩnh viễn đoạn tuyệt cả trong hành động lẫn trong suy nghĩ! 
Một loạt tên tuổi đã được lựa lọc. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tiến sĩ Lê Kiên Thành, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mì, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - TS Nguyễn Mạnh Hà… Người thì cho rằng nền kinh tế phân phối theo tem phiếu ấy là do cuộc chiến tranh quy định, không tuân thủ sự phân phối ấy không huy động đủ sức mạnh để chiến thắng một đối thủ như Mỹ “mạnh hơn ta cả ngàn lần”. Người khác giải thích, chế độ bao cấp là sản phẩm của duy ý chí, của thái độ chủ quan khi hoạch định đường lối. Lập luận thứ ba loáng thoáng hiện ra kiến giải bởi Việt Nam “nằm trong phe” nên không thể vượt ra khỏi “quỹ đạo chung” của phe. Phim cũng đã đề cập tới việc khoán hộ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc. Để thấy nhận thức về “Đổi mới” đã xuất hiện rất sớm, từ năm 1966 nhưng vẫn cần thời gian và những biến đổi qua năm tháng, để tận tới Đại hội Đảng lần thứ 6 công cuộc xóa bỏ bao cấp, thay đổi nền kinh tế tập trung bằng nền kinh tế thị trường mới thực sự trở thành “Mệnh lệnh của cuộc sống”. 
Ở phần tìm hiểu nguyên nhân này, người xem phim như được tạo điều kiện để tiếp cận mọi loại kiến giải mà tự rút lấy kết luận. Không hề có sự nghiêng lệch, nhấn nhá hay áp đặt. Sao không ghi nhận đây lại là chỗ “cứng tay” thể hiện bản lĩnh của các tác giả phim Việt Nam thời bao cấp. Trong thể tài của phim tài liệu, chủ kiến của tác giả hay nói khác đi “cái lăng kính” chủ quan của người làm phim giúp để “lọc” hiện thực đóng vai trò số 1. Đúng, sai của chủ kiến ấy sẽ quyết định nên thành bại của tác phẩm. Tìm ra những nguyên nhân đích thực dẫn đến nền kinh tế tập trung bao cấp không chỉ ở riêng nước ta mà còn ở Nga, Trung Quốc và nhiều nước Đông Âu khác, vẫn còn là việc để ngỏ, đang đặt ngửa trên bàn. Các tác giả bộ phim Việt Nam thời bao cấp không muốn khép vấn đề bằng sự nông nổi, vội vàng. Thiết nghĩ, cách tiếp cận ấy sẽ gây được thiện cảm ở đông đảo người xem phim. 

Tin cùng chuyên mục