“Thực tiễn cho thấy chính sự ra đời của tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội đã giúp doanh nghiệp (DN) vững vàng hơn trước khó khăn, thách thức, thể hiện cụ thể qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2013 vừa qua cũng như cả 3 năm (2011 - 2013)” - đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể CT-XH trong DN ngoài khu vực nhà nước TPHCM cho biết như vậy khi trao đổi với PV Báo SGGP.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh vai trò của tổ chức Đảng trong DN là hết sức quan trọng. Trước hết làm nhiệm vụ tuyên truyền, thuyết phục giúp lãnh đạo DN chấp hành nghiêm túc chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, chế độ, chính sách với người lao động. Bên cạnh đó là việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; xây dựng tác phong lao động công nghiệp, chấp hành các quy chế, quy định, quy trình lao động của DN đề ra. Đồng thời giới thiệu những đảng viên, đoàn viên ưu tú để DN bố trí vào các cương vị lãnh đạo, quản lý trong DN.
Trên thực tế, nhiều chi bộ Đảng đã giúp chủ DN thực hiện tốt công tác nhân sự, giới thiệu nhiều đảng viên làm phân xưởng trưởng, ca trưởng, quản đốc, thậm chí là phó giám đốc và đã phát huy tốt vai trò nói trên.
Muốn thành lập tổ chức đảng, đoàn thể CT-XH thì phải giúp đảng viên, đoàn viên, người lao động trong DN thấy rõ được lợi ích, nhưng điều quan trọng hơn là phải đả thông nhận thức và tư tưởng của chủ DN, cho họ thấy được tổ chức đảng, đoàn thể CT-XH không chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình mà còn đem lại lợi ích cho DN, là cầu nối giữa DN với các cơ quan quận, huyện, thành phố.
- Phóng viên: Theo Đảng ủy các KCX-KCN TP, có 2 hạn chế lớn nhất trong xây dựng lực lượng chính trị trong các KCX-KCN hiện nay là “chưa thuyết phục được nhiều quần chúng giác ngộ, tha thiết phấn đấu vào Đảng” và “nhận thức của một số chủ DN chưa đầy đủ” khiến công tác nói trên còn gặp nhiều khó khăn?
>> Đồng chí NGUYỄN THỊ THU HÀ: Đó là khó khăn mà Đảng bộ các KCX-KCN TP đang đối mặt. Tuy nhiên, càng khó khăn càng đòi hỏi cấp ủy, đoàn thể tăng thêm quyết tâm thực hiện. Thực tế cho thấy nơi nào hệ thống chính trị ở cấp khu có được sự đồng bộ (có tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể, có cán bộ giữ vai trò trọng yếu như lãnh đạo công ty đầu tư hạ tầng, đoàn thể tham gia vào cấp ủy) thì nơi đó hoạt động có hiệu quả. Thể hiện ở việc tạo được điều kiện về tài chính, phương tiện, thời gian cho tổ chức đảng trong khu hoạt động, tiếp xúc với chủ DN thuận lợi, tổ chức được phong trào, hoạt động chăm lo cho công nhân, lao động. Trong công tác xây dựng đảng, tổ chức công đoàn có vai trò hết sức quan trọng. Công đoàn là nơi phát động các phong trào trong DN, qua đó phát hiện những công đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp.
Ở một số tổ chức đảng trong DN có một số nội dung, nghị quyết của chi bộ Đảng đã được tổ chức, triển khai thông qua những kiến nghị, đề xuất của tổ chức công đoàn với chủ DN. Còn ở những DN chưa có tổ chức Đảng, nếu chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở là đảng viên thì đây chính là tiền đề, điều kiện, “cửa ngõ” để tổ chức Đảng phát triển ở DN trong điều kiện chưa có tổ chức cơ sở Đảng trong DN.
- Bài học kinh nghiệm của TPHCM rút ra là gì, thưa đồng chí?
Trước hết cần chú trọng việc tuyên truyền, tạo sự thống nhất nhận thức của các cấp ủy và toàn thể đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải thật sự quan tâm chỉ đạo, trực tiếp gặp gỡ chủ DN để vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận; đồng thời phân công cụ thể các cấp, các ngành thực hiện. Các cấp ủy phải thường xuyên chỉ đạo việc kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo, cán bộ chuyên trách. Các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các DN phải bám sát hoạt động của đơn vị, chủ động đề ra nội dung, phương thức hoạt động thiết thực gắn với lợi ích của DN. Thường xuyên hướng dẫn nội dung, trau dồi kỹ năng, phương pháp hoạt động, chăm lo cán bộ làm công tác đảng trong các DN. Thành ủy và các cấp ủy tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí công tác Đảng đến chi bộ, hỗ trợ kinh phí thẩm tra lý lịch.
Để làm tốt công tác tạo nguồn, chi bộ cần bám sát, chỉ đạo cụ thể tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên trong DN, thông qua các tổ chức, đoàn thể này để bồi dưỡng, giúp đỡ công nhân, người lao động hiểu về Đảng và phấn đấu vào Đảng. Trước hết là ưu tiên cán bộ công đoàn, cán bộ quản lý lao động trực tiếp, gắn bó lâu năm với DN.
- Xin cảm ơn đồng chí!
| |
HỒNG HIỆP (thực hiện)