Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức: Phải cập nhật đầy đủ và chính xác dữ liệu về F0

Trong nâng chất công tác quản lý F0, đồng chí Dương Anh Đức chỉ đạo phải ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa quy trình thủ tục, tránh phiền hà cho F0 để F0 dễ dàng khai báo khi mắc bệnh, thuận lợi nhận sự chăm sóc cũng như dễ dàng thông báo hoàn thành thời gian cách ly điều trị. 

Chiều 17-3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì giao ban giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM với TP Thủ Đức cùng các quận, huyện.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ghi nhận và đánh giá cao các quận, huyện và TP Thủ Đức đã nâng được mức độ sẵn sàng trong phòng chống dịch ở các cơ sở. Đồng chí mong muốn các cơ sở tiếp tục giữ được tinh thần này, bởi trong phòng chống dịch, vai trò quyết định là tại cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức: Phải cập nhật đầy đủ và chính xác dữ liệu về F0 ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban. Ảnh: MẠNH HÒA

Nhận xét số lượng F0 đang ở mức cao và dấu hiệu gia tăng số ca trở nặng, đồng chí Dương Anh Đức yêu cầu phải có biện pháp để kìm và giảm xuống các trường hợp trở nặng cũng như các trường hợp mắc mới. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, điểm đáng chú ý, 2/3 số trường hợp trở nặng lại chưa tiêm đủ vaccine; điều đó cho thấy vai trò của vaccine hết sức quan trọng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ đã đạt kết quả rõ ràng, tuy vậy vẫn xuất hiện người có nguy cơ cao nhưng chưa được phát hiện, chỉ phát hiện khi mắc Covid-19 trở nặng nhập viện điều trị. Từ đó, đồng chí yêu cầu hệ thống y tế phối hợp với các địa phương thực hiện quyết liệt hơn chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ, nhất là đợt cao điểm Chiến dịch bảo vệ nhóm có nguy cơ cao nhất – người trên 65 tuổi, có bệnh nền - trong những người có nguy cơ.  

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức: Phải cập nhật đầy đủ và chính xác dữ liệu về F0 ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu phải cập nhật đầy đủ và chính xác về F0 

Trước tình trạng một số nơi cập nhật chậm cơ sở dữ liệu về người có nguy cơ, đồng chí Dương Anh Đức chỉ đạo Sở TT-TT và Sở Y tế phối hợp hoàn thiện hơn các công cụ giúp cho các địa phương cập nhật cơ sở dữ liệu thuận lợi, nhanh chóng và đầy đủ thông tin. Đồng chí nhấn mạnh, cơ sở dữ liệu phải chính xác để không chỉ tra cứu khi có sự cố, mà từ nền tảng cơ sở dữ liệu, phải phân tích đánh giá đúng tình hình, chủ động có giải pháp can thiệp kịp thời, bởi can thiệp càng sớm, hậu quả càng nhỏ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đặc biệt yêu cầu các địa phương tăng cường nắm bắt địa bàn, đẩy mạnh chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao và cập nhật cơ sở dữ liệu kịp thời. Cùng với đó, tiếp tục phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà nhằm đẩy nhanh bao phủ vaccine; song song đó là cập nhật cơ sở dữ liệu về tiêm vaccine và số lượng F0, F0 đã khỏi bệnh. Trong nâng chất công tác quản lý F0, theo đồng chí, phải ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa quy trình thủ tục, tránh phiền hà cho F0 để F0 dễ dàng khai báo khi mắc bệnh, thuận lợi nhận sự chăm sóc cũng như dễ dàng thông báo hoàn thành thời gian cách ly điều trị.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức: Phải cập nhật đầy đủ và chính xác dữ liệu về F0 ảnh 3 Quang cảnh buổi giao ban

Một vấn đề được đồng chí Dương Anh Đức lưu ý là phải rà soát các phát sinh liên quan đến các khu cách ly, khu điều trị mà trước đây các địa phương đã mượn ở các cơ sở, nhất là trường học. Bởi, một số trường đang chuẩn bị cho năm học mới, rất cần khôi phục lại cơ sở vật chất. Đồng thời, phải rà soát, giải quyết đầy đủ chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM.

Về các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ cập nhật các bộ tiêu chí, lưu ý đến tính khả thi và phù hợp với tình hình mới.

Đồng chí Dương Anh Đức cũng yêu cầu Sở Công thương và các sở, ngành liên quan cùng các địa phương tiếp tục đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường, xử lý triệt để các trường hợp ghim hàng, tăng giá; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp TPHCM phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành du lịch được giao phải tiếp tục chuẩn bị, giới thiệu mạnh về các sản phẩm du lịch của TPHCM; giới thiệu các chính sách, các chương trình khuyến khích du lịch của TPHCM. Theo đồng chí, cần chú ý đến lợi thế của TPHCM là cửa ngõ du lịch, từ đó cần có các chương trình đón khách du lịch và giữ chân khách du lịch ở lại càng lâu càng tốt. Đó cũng chính là góp phần phục hồi kinh tế TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức: Phải cập nhật đầy đủ và chính xác dữ liệu về F0 ảnh 4 Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu tình trạng có tới 67% số ca mắc Covid-19 nặng nhưng không thông báo với y tế địa phương
Trước đó, báo cáo về tình hình dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, hiện TPHCM quản lý hơn 100.000 F0; trong đó có gần 95.000 trường hợp điều trị tại nhà và cơ sở cách ly; hơn 4.800 ca ở tầng 2, hơn 500 ca ở tầng 3.

Đáng lo ngại là số ca cần hỗ trợ hô hấp và thở máy xâm lấn đang tăng dần 5-7 ca mỗi ngày và hiện nay có 97 ca phải thở máy xâm lấn. PGS.TS Tăng Chí Thượng dự báo, số ca thở máy tăng có thể dẫn tới số ca tử vong sẽ nhích lên trong thời gian tới; hiện nay, số ca tử vong dao động từ 1-3 trường hợp/ngày.

Qua phân tích 63 trường hợp nặng, Sở Y tế TPHCM ghi nhận 60 trường hợp có bệnh nền. Trong đó, 6 trường hợp (chiếm 10%) không biết mình có bệnh lý nền cho đến khi nhập viện; gần 43% các trường hợp thở máy do bệnh nền, bệnh cấp tính, không phải do Covid-19; gần 56% thở máy do Covid-19 nặng.

Đặc biệt, chỉ có 5 trường hợp (trong số 63 trường hợp) sử dụng thuốc Molnupiravir trước khi nhập viện. Gần 67% trường hợp không thông báo y tế địa phương khi biết mình mắc bệnh và không điều trị Molnupiravir trước nhập viện. Hầu hết các ca bệnh nặng là người thuộc nhóm nguy cơ nhưng có đến 65% chưa có tên trong danh sách người thuộc nhóm nguy cơ tại các địa phương.

Về tình hình số trường hợp nghi mắc Covid-19 trong trường học, tuần qua ghi nhận hơn 44.100 trường hợp nghi mắc Covid-19, tăng so với tuần trước đó (tuần trước đó có gần 37.500 trường hợp). Tỷ lệ học sinh nghi mắc Covid-19 là 6,4%; trong đó khối THPT là 8,9%, khối THCS là gần 7,5%, khối Tiểu học là hơn 6,6% và mầm non là gần 1,6%. 

Tin cùng chuyên mục