TPHCM đang và sẽ làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đồng thời thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản? Dưới đây là cuộc trao đổi nhanh giữa PV Báo SGGP với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng tại Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - Nhật Bản 2013.
* PV: Thưa Phó Chủ tịch, bà đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại giữa TPHCM và Nhật Bản?
* Phó Chủ tịch NGUYỄN THỊ HỒNG: 40 năm qua, quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển vượt bậc và đạt nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Ở cấp địa phương, TPHCM luôn phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển năng động của “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, do vậy quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại giữa TPHCM và Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp.
Về đầu tư, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại TPHCM với 619 dự án cùng tổng vốn đạt gần 3 tỷ USD. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, trong số 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại TPHCM, Nhật Bản hiện đứng đầu về số dự án được cấp phép với 88 dự án và tổng vốn đạt 86,9 triệu USD. Trong lĩnh vực thương mại, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu hàng đầu của TPHCM. 9 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của TP vào thị trường Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 11,58% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản vào TP cũng đạt khoảng 1 tỷ USD. Như vậy, TPHCM tiếp tục xuất siêu sang Nhật Bản với thặng dư thương mại đạt 0,5 tỷ USD trong 9 tháng qua, tăng 25% so cùng kỳ năm 2012. Đây là thành quả của chặng đường 40 năm thiết lập quan hệ giữa hai nước cũng như sự kiên trì thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tiềm năng TPHCM với các đối tác Nhật Bản từ nhiều năm qua.
* Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực từ năm 2009. Trong 5 năm tới, mức độ cắt giảm các dòng thuế đối với hàng hóa của Việt Nam vào Nhật là rất lớn. TPHCM sẽ làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa?
* Theo nội dung hiệp định, Nhật Bản cam kết tự do hóa 94,53% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm thực thi, giảm thuế suất các mặt hàng công nghiệp tới mức thấp nhất (0% - 5%). So với các nước ASEAN, Nhật Bản cũng dành sự cam kết khá cao cho các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản, lâm sản của Việt Nam. Như vậy, ngay khi hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật được hưởng ngay thuế suất 0% như dệt may, cơ khí, cáp điện, máy tính, linh kiện, đồ gỗ, tôm, các sản phẩm từ tôm, hoa cắt cành…
Để tận dụng tốt việc cắt giảm thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường Nhật, sắp tới TPHCM sẽ tiếp tục kết nối với các cơ quan đại diện của Nhật tại Việt Nam như đại sứ quán, lãnh sự quán, các hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM để tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư. Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - Nhật Bản 2013 được tổ chức ngày 9-10 cũng không nằm ngoài mục đích này. Mặt khác, TP cũng tăng cường sự hỗ trợ của thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản để tham gia các hội chợ, tổ chức cho DN Việt Nam đi khảo sát thị trường Nhật. TP sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn về cơ chế, chính sách cũng như văn hóa kinh doanh tại thị trường Nhật, mở các lớp dạy tiếng Nhật cho DN của TP. Tạo điều kiện để DN tiếp cận các nguồn vốn nhằm đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người tiêu dùng Nhật cũng sẽ được lãnh đạo TP quan tâm đặc biệt.
* Nhật Bản trở thành đối tác đầu tư lớn nhất, TPHCM đã chuẩn bị gì để đón nhận hiệu quả luồng vốn đầu tư này?
* Từ nhiều năm qua, TPHCM đã và đang tổ chức rất tốt hội nghị bàn tròn “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản” để lắng nghe những ý kiến đóng góp của các DN Nhật nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Qua hội nghị này, nhiều vấn đề tồn đọng về cơ chế chính sách đã được tháo gỡ. Song song đó, TPHCM cũng đẩy mạnh việc cải cách hành chính, công khai minh bạch tất cả các cơ chế chính sách của TP để tạo sự yên tâm, tin tưởng về môi trường đầu tư cho các DN FDI nói chung và DN Nhật nói riêng. Mặt khác, TP đang tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để cung ứng cho nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Với những nỗ lực trên, tại nhiều hội nghị, phía Nhật Bản luôn coi trọng thị trường Việt Nam và xem Việt Nam là đối tác tin cậy, luôn ủng hộ và hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.
* Cảm ơn bà!
THÚY HẢI