Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quy hoạch vùng phải có độ mở, linh hoạt, tránh cạnh tranh và triệt tiêu nhau

Nhiều địa phương Tiểu vùng Trung Trung bộ đang bất đồng quan điểm với đơn vị tư vấn Liên doanh Haskoningdhv–Ciem–Isonre về dự thảo quy hoạch vùng.
Tư vấn quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung hiện còn nhiều bất cập. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Tư vấn quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung hiện còn nhiều bất cập. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ngày 11-10, tại TP Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (lần thứ 2).

Không đề cập ngành chủ lực của địa phương

Tại hội nghị, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 chưa đảm bảo tính khả thi. Đơn vị tư vấn chưa làm hết trách nhiệm do chưa làm việc với địa phương.

“Tôi đã trao đổi với Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định thì nhận thông tin đơn vị tư vấn vẫn chưa làm việc. Vậy thì làm sao quy hoạch đảm bảo chất lượng, tính khả thi?”, ông Minh nêu.

Theo ông Minh, để hoàn thành quy hoạch tỉnh phải lấy ý kiến của 28 bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong quy hoạch. Nếu quy hoạch vùng không cập nhật quy hoạch tỉnh thì khi được phê duyệt, quy hoạch tỉnh - quy hoạch cấp thấp hơn phải điều chỉnh lại. Điều này rất mất thời gian.

Bên cạnh đó, rất nhiều vấn đề, nội dung cốt lõi của Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ” – cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện cũng không được nhắc tới trong quy hoạch vùng.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu ý kiến

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu ý kiến

Cũng theo ông Minh, Quảng Ngãi là trung tâm năng lượng, lọc hóa dầu đã được xác định trong Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị - cốt lõi này trong quy hoạch vùng không có. Thép Quảng Ngãi được đầu tư 73 tỷ USD cũng không được đề cập.

"Quy hoạch đại diện, chế biến, luyện cán thép không đề cập nhiều trong dự thảo, trong khi Quảng Ngãi đang là trung tâm công nghiệp và thép cũng là sản phẩm chủ lực. Tỉnh hình thành khu công nghiệp đóng tàu cũng không nhắc đến”, ông Minh chất vấn.

Chưa nêu bật tính đột phá

Đồng quan điểm, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dự thảo quy hoạch chưa nêu bật tính đột phá cần tập trung nguồn lực để phát triển nhanh trong ngắn hạn; chưa logic giữa xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Ngoài ra, có những lĩnh vực giai đoạn đầu đưa vào ưu tiên phát triển, nhưng giai đoạn sau lại không đề cập. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển cũng chưa chỉ ra được nguồn lực ở đâu.

Tương tự, cần làm rõ những công trình trọng điểm, công trình có thể thu hút đầu tư vốn xã hội hóa, giảm gánh nặng cho ngân sách. Đồng thời cần xác định chức năng, nhiệm vụ cơ chế riêng cho từng tiểu vùng phát triển.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý kiến với ông Đặng Văn Minh. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý kiến với ông Đặng Văn Minh. Ảnh: XUÂN QUỲNH

“Việc hình thành khu liên hợp công nghệ ô tô, phụ trợ cơ khí đa dụng tại Chu Lai đã rất rõ và đang có chiều hướng phát triển rất tốt. Nhưng làm sao để lan tỏa cả khu vực, tạo kết nối cộng đồng doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì chưa đề cập. Hay như sân bay Chu Lai đã được Thủ tướng xác định là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế, trung tâm về logistics hàng không, trung tâm sửa chữa bảo dưỡng máy bay hạng nặng. Cả nước chưa có trung tâm nào như vậy và Chu Lai hoàn toàn đáp ứng được”, ông Thanh nêu.

Đề cập đến đề xuất đơn vị tư vấn về xây dựng Trung tâm xử lý chất thải rắn cấp quốc gia tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khá bất ngờ.

Theo ông Thanh, tỉnh Quảng Nam đã và đang xử lý rất nhiều sự cố liên quan chất thải rắn. Việc xử lý chất thải rắn nên phân tán, không nên hình thành một trung tâm ở tại một địa phương cụ thể. Mỗi tỉnh nên chủ động xây dựng một khu xử lý chất thải rắn tập trung với quy mô công suất phù hợp từng giai đoạn phát triển, với công nghệ phù hợp.

“Làm một trung tâm tập trung quy mô lớn thì khi sự cố xảy ra, hàng loạt địa phương bị ảnh hưởng. Việc tập trung tại một tỉnh là không nên”, ông Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, trong quá trình lập quy hoạch, đơn vị tư vấn khó dự báo nguồn lực ngân sách, từ đó khó mạnh dạn đề xuất phương án về hạ tầng và các công trình có tính chất điểm nhấn, nhất là hạ tầng có tính quyết định.

"Phải đánh giá đúng mới có chính sách đúng. Đánh giá hiện trạng là yêu cầu rất quan trọng của đồ án quy hoạch. Xét về 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đồ án hiện còn đơn lược nên không thấy được những tiềm năng cũng như khó khăn của 14 tỉnh, thành trên dải đất miền Trung", ông Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Hùng, điểm sáng ở dải đất miền Trung là mạng lưới, sự đậm đặc về văn hóa và di sản văn hóa, trong đó có văn hóa Chăm. Đây là yếu tố cần được khai thác để tạo sự khác biệt của vùng này với vùng kia. Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch chưa đề cập dân ca ví dặm và nghệ thuật bài chòi, vốn được UNESCO vinh danh là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Trong quy hoạch phát triển, cần bảo vệ những di sản này.

Ở lĩnh vực du lịch, cần đề cập kỹ hơn những khác biệt giữa các địa phương, vùng, nếu không sẽ thấy ở đâu cũng làm du lịch được, ở đâu cũng có biển, có rừng, có cộng đồng. Và nếu không được liên kết, quy hoạch thì du lịch ở các địa phương chỉ mang tính đơn lẻ, manh mún.

Quy hoạch vùng không phải "phép cộng" quy hoạch tỉnh

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, quy hoạch vùng là quy hoạch lớn, chưa làm bao giờ nên việc thực hiện còn khó khăn. Trong khi đó, đơn vị tư vấn quy hoạch chỉ là người phụ giúp nghiên cứu đề xuất, còn người quyết định quy hoạch là các địa phương, hội đồng vùng, chuyên gia, Chính phủ… Và đây mới là dự thảo nên cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung.

Liên quan đến nhiều vấn đề quy hoạch trọng tâm của các địa phương chưa được bổ sung, ông Dũng cho biết, thuộc quy hoạch ngành và ngành nào Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thì không đưa vào quy hoạch vùng.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng thừa nhận đơn vị tư vấn chưa làm việc hết với các địa phương trong vùng. Theo đó, chỉ mới làm việc được 9/14 tỉnh, thành.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, quy hoạch vùng có tính pháp lý cao nhất và là công cụ giải quyết nhiều vấn đề cho các tỉnh, thành. Quan điểm là quy hoạch vùng không phải phép cộng quy hoạch các tỉnh mà phải lựa chọn vấn đề các địa phương trong vùng cùng có sự quan tâm, những công trình trong vùng có thể đặt ở nơi làm động lực giúp cho cả vùng, cả nước phát triển.

Đặc biệt, quy định là các quy hoạch tỉnh phải điều chỉnh theo quy hoạch vùng nhưng cả hai đang được làm đồng thời thì cần tạo quy hoạch có độ mở, tương đối linh hoạt thì mới không bị ảnh hưởng cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau. Các tiêu chí quy hoạch vùng cũng cần dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các địa phương.

Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà kết luận. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà kết luận. Ảnh: XUÂN QUỲNH

“Các đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến, sau đó gửi dự thảo về các địa phương để tổ chức nghiên cứu thực tế trên quan điểm và với cái nhìn tổng thể vùng để từ đó tiếp tục hoàn thiện”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đây là vùng trọng yếu do vậy kinh tế là ưu tiên nhưng vấn đề quốc phòng – an ninh cũng cần được quan tâm.

Tin cùng chuyên mục