Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tạo điều kiện phát triển logistics

Chính phủ xác định chủ trương phát triển ngành logistics mạnh nhưng phải bền vững, đồng thời tạo hệ sinh thái phát triển ngành logistics từ pháp lý, hạ tầng, kinh tế xã hội, đào tạo nguồn nhân lực và chú trọng giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Sáng 23-11, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn logistics Việt Nam 2019 với chủ đề “Logistics nâng cao giá trị nông sản” do Bộ Công thương phối hợp cùng UBND TP Đà Nẵng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tạo điều kiện phát triển logistics ảnh 1 Phó Thủ thướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường; Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione… cùng đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp logistics trong nước, các nước trong khu vực và thế giới.

Đặt mục tiêu kỳ vọng “khơi thông dòng chảy logistics”, diễn đàn lần này tiếp tục đề cập và bàn thảo những vấn đề chiến lược và thực tiễn của ngành logistics Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế trong nước, quốc tế và trước xu thế phát triển của công nghệ số.

Diễn đàn năm 2019 tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển logistics giải pháp có tính đột phá và thực tiễn nhằm thúc đẩy logistics nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tạo điều kiện phát triển logistics ảnh 2 Phiên thảo luận cấp cao của các lãnh đạo bộ, đơn vị về phát triển logistics
Ngành nông nghiệp tạo việc làm cho khoảng 70% dân số; đóng góp khoảng 15% GDP và 30% giá trị xuất nhập khẩu. Trong năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu của nông, lâm, thủy sản đạt 789.000 tỷ đồng, tăng 3,86% so với năm 2017.

Đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế chung của cả nước nhưng dịch vụ logistics ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn phát triển chưa tương xứng. Phải kể đến những yếu tố như hệ thống kho bãi, sơ chế nông sản còn thiếu nên chủ yếu là hàng xuất thô; doanh nghiệp trong ngành logistics còn hạn chế về kinh nghiệm, đặc tính về nông sản để xuất khẩu…

Có thể kể đến là vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia, tuy nhiên khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lại thiếu khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển. Đơn cử như việc phương thức vận tải trong vùng và các vùng lân cận, các trung tâm logistics làm lạnh sản phẩm còn ít làm gián đoạn chuỗi giá trị nông sản.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tạo điều kiện phát triển logistics ảnh 3 Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2018 lên đến 40,2 tỷ USD nhưng đa số vẫn là sản phẩm xuất thô
Với nội dung này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, mỗi năm Việt Nam có 40 triệu tấn hàng nông sản chở ra tới 185 quốc gia nhưng do sản phẩm chủ yếu là hàng thô, nặng nề nên giá trị thấp. Việt Nam trong những năm tới chủ trương không tăng lượng nông sản xuất khẩu mà đi sâu vào chuỗi giá trị. Thế nên vai trò của logistics là quan trọng trong đáp ứng được mục tiêu này.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh, ngoài chủ trương chính sách của Nhà nước thì các doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa để cùng bà con nông dân tạo hệ sinh thái từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến, vận chuyển, thương mại và trong đó điểm cần ưu tiên là logistics ngày càng đầy đủ, khép kín nhằm tăng cao chuỗi giá trị của nông sản.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tạo điều kiện phát triển logistics ảnh 4 Đại diện Bộ NN&PTNT nói về logistics trong chuỗi giá trị nông sản
Về vấn đề này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nêu ý kiến trong những năm tới, Việt Nam cần đầu tư hạ tầng cho logistics, nông sản như chuỗi kho lạnh (kho lạnh, xe vận chuyển lạnh), cải thiện kết nối giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt và phát triển đường hàng không, lập các trung tâm chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm để rút ngắn thời gian của các khâu này như hiện tại.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, thời gian qua trong triển khai thực tiễn các cơ quan quản lý cấp Sở, ngành, địa phường và các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn bất cập. Công tác phối hợp nghiên cứu, xây dựng quy hoạch của các Bộ, ngành và địa phương còn chưa phát huy hết hiệu quả, một số địa phương chưa được đầu tư tương xứng nên dịch vụ logistics nhìn chung chưa phát triển được. Cùng với đó, chi phí dịch vụ logistics còn cao, khả năng ứng dụng công nghệ cũng như trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế…

Qua đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững ngoài việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cho hoạt động logistics còn cần giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu, nhất là những diễn biến kinh tế - chính trị mới gần đây và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0; chỉ ra những nguyên nhân, dự báo chiều hướng phát triển, phân tích tác động tới khu vực cũng như nước ta, từ đó đề xuất với Chính phủ những chủ trương, quyết sách thích hợp, nhằm tận dụng những cơ hội, ứng phó với những khó khăn, thách thức mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tạo điều kiện phát triển logistics ảnh 5 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định tăng cường hợp tác các cấp để phát triển ngành logistics
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục cải thiện, đồng bộ các giải pháp để phát triển ngành logistics Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục