Phối hợp sản - nhi cứu sống trẻ sơ sinh

Đầu năm 2018, một bé trai chào đời tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ với khối thoát vị rốn có kích thước hơn 10cm. Sau khi tiến hành hồi sức, ổn định trẻ, các bác sĩ lập tức chuyển bệnh nhi sang BV Nhi đồng Thành phố để mổ cấp cứu. Những ca chuyển viện tính từng phút từng giây như thế đã góp phần cứu sống hàng trăm trẻ sơ sinh ở TPHCM trong năm qua. 

Những ca chuyển viện “ngoạn mục”

TS-BS Hồ Tấn Thanh Bình, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi đồng Thành phố, cho biết sau khi tiếp nhận trường hợp bé trai nói trên, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định mổ cấp cứu phục hồi thành bụng chỉ sau 1 giờ nhập viện.

“Đây là thành công của phối hợp sản-nhi trong can thiệp những dị tật bẩm sinh cần được can thiệp sớm. Đặc điểm của sự phối hợp này là kịp thời phẫu thuật can thiệp trong thời gian sớm nhất, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh”, BS Bình lý giải.

Vẫn theo BS Hồ Tấn Thanh Bình, trong năm 2018, BV Nhi đồng Thành phố đã phối hợp với BV Từ Dũ và BV Hùng Vương can thiệp, phẫu thuật cho 55 trường hợp trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh và đã đạt kết quả ngoạn mục khi cứu sống 49 trẻ.

Phối hợp sản - nhi cứu sống trẻ sơ sinh ảnh 1 Phối hợp sản-nhi trong những trường hợp cấp cứu đặc biệt sẽ đem lại cơ hội sống cho bệnh nhi
Cũng từ đầu năm đến nay, Khoa Tim mạch của BV Nhi đồng Thành phố cũng đã thực hiện phẫu thuật tim hở cho 35 trường hợp trẻ sơ sinh, thông tim 28 trường hợp và thực hiện chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) cho 3 trường hợp trẻ sơ sinh từ các BV sản khoa chuyển đến.

Còn tại BV Nhi đồng 1, từ khi thành lập Khu chuyên sâu sơ sinh, mỗi ngày BV tiếp nhận hàng chục ca bệnh sơ sinh từ các BV sản khoa trên địa bàn TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam chuyển đến. Phần lớn trẻ sơ sinh được chuyển đến do mắc các bệnh lý dị tật bẩm sinh như không có hậu môn, thủng ruột, xoắn ruột hoặc các dị tật tim bẩm sinh, thoát vị hoành…

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết nhờ Khu chuyên sâu sơ sinh phẫu thuật, can thiệp kịp thời các dị tật bẩm sinh mà tỷ lệ tử vong ở bệnh nhi sơ sinh tại BV này giảm từ 12% còn dưới 6%. Đơn cử, các bác sĩ BV Nhi đồng 1 đã thực hiện phẫu thuật tim cho một bệnh nhi sinh non ở tuần thai thứ 31 (nặng 900gr) vào tháng 3-2018.

Bệnh nhi trước đó được các bác sĩ BV Hùng Vương mổ lấy thai với bệnh lý hẹp eo động mạch chủ. Dị tật này khiến máu từ tim không thể nuôi được cơ thể và em bé có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được can thiệp kịp thời.

Ngay lập tức, bệnh nhi được BV Hùng Vương chuyển sang BV Nhi đồng 1 để thực hiện phẫu thuật tim. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã chỉnh sửa thành công phần động mạch bị teo hẹp của bệnh nhi, đưa bệnh nhi thoát “cửa tử”.

Cần những cái bắt tay hợp tác

Mặc dù góp phần cứu sống nhiều trẻ sơ sinh, tuy nhiên tại Hội nghị phẫu thuật nhi Việt Nam lần thứ 13 vừa qua, BS Trần Công Bảo Phụng, Khoa Tim mạch BV Nhi đồng Thành phố, cho rằng sự phối hợp giữa các BV sản và nhi vẫn còn một số bất cập, hạn chế.

Do chưa có sự liên thông dữ liệu giữa các BV, nên bác sĩ nhi khoa vẫn chưa được thông tin về những chẩn đoán dị tật từ thai kỳ. Công tác vận chuyển trẻ sơ sinh từ BV sản đến BV nhi chưa an toàn, nhiều trường hợp khi chuyển đến BV nhi đã trong tình trạng tím tái, phù nề, không thể cứu được. Do đó, giữa các BV sản và nhi cần có sự phối hợp toàn diện hơn, từ chẩn đoán, tư vấn trước sinh đến xử trí cấp cứu sau sinh.

TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cho rằng việc phối hợp tốt giữa các BV sản và nhi sẽ giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tăng chất lượng cuộc sống cho nhiều trẻ nhờ điều trị sớm.

Đây là xu hướng mà các nước phát triển trên thế giới đã và đang thực hiện. Thậm chí, ở nước ngoài, trong một số trường hợp các bác sĩ của BV nhi đã đến tận phòng mổ của BV sản hay một sản phụ được đưa đến BV nhi để các bác sĩ nhi khoa can thiệp sớm ngay khi trẻ mới ra đời. Điều này giúp cho tỷ lệ trẻ sơ sinh ở các nước phát triển được cứu sống luôn ở mức cao.

Tại Việt Nam, điều này vẫn chưa thể thực hiện bởi những rào cản về cơ sở vật chất như phòng mổ BV sản luôn quá tải hay phòng mổ sản khoa không đáp ứng được yêu cầu của một ca phẫu thuật tim. Bên cạnh đó là những rào cản về chính sách như bảo hiểm y tế không thanh toán một ca phẫu thuật nhi diễn ra tại BV sản và ngược lại.

Trước những rào cản, khó khăn trong cơ chế phối hợp giữa lĩnh vực sản và nhi, TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có các cơ sở pháp lý để có thể tiến tới thành lập khoa sản nguy cơ cao trong các BV nhi.

Những thai phụ được chẩn đoán dị tật thai nhi nguy hiểm sẽ được bố trí mổ lấy thai tại BV nhi và ngay lập tức trẻ sơ sinh được can thiệp ngay. Để làm được, rất cần những cái bắt tay hợp tác giữa các BV cũng như sự linh động về cơ chế, chính sách.

Mới đây, 2 BV phụ sản hàng đầu ở TPHCM là BV Từ Dũ và Hùng Vương đã ký kết với BV Nhi đồng Thành phố nhằm phối hợp toàn diện chuyên sâu trong lĩnh vực sản - nhi. Hợp tác thăm khám tiền sản để tránh được nguy cơ sinh non, dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng, ngạt - là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh.

Theo đó, 2 BV phụ sản sẽ phối hợp với BV Nhi đồng Thành phố chẩn đoán tư vấn trước sinh, xử trí cấp cứu và chuyển viện an toàn, kịp thời, thống nhất phác đồ điều trị cấp cứu...

Tin cùng chuyên mục