
Trước hết phải nhìn nhận là tham nhũng chỉ xảy ra trong đội ngũ cán bộ. Mà cán bộ chức quyền càng cao, nắm cương vị trọng trách quan trọng lại tham nhũng thì tác hại càng nghiêm trọng. Chúng ta đều hiểu rằng khi có đường lối chủ trương đúng thì cán bộ là khâu quyết định, “cán bộ nào phong trào ấy” là vậy.

Ảnh chụp tại phiên tòa phúc thẩm vụ án tham ô, cố ý làm trái tại CT Dịch vụ kỹ thuật dầu khí và XN liên doanh dầu khí Việt - Xô.
Đội ngũ cán bộ của chúng ta hiện nay phần đông là tốt, nhưng một bộ phận không nhỏ đã suy thoái, họ làm việc không vì đất nước vì nhân dân mà vì sự làm giàu bất chính, vì cuộc sống hưởng lạc của cá nhân và gia đình.
Trong số những người này có kẻ đang yên vị trên ghế để chờ hạ cánh an toàn hoặc là tiếp tục dùng tiền của để chạy chọt leo lên ghế cao hơn. Bên cạnh đó cũng có người tạm dừng lại nhằm củng cố quyền lực của mình để chờ thời cơ lại tiếp tục tham nhũng.
Những hạng người nói trên tạo vỏ bọc và ngụy trang cho mình rất khéo, thậm chí họ còn lớn tiếng hô hào chống tham nhũng, nhưng quần chúng nhân dân phần lớn là không tin, không phục. Cho nên việc cần làm, và phải làm kiên quyết là rà soát, xem xét lại đội ngũ cán bộ hiện nay để sàng lọc và lôi được những người trên ra khỏi chiếc ghế chức quyền mà họ đang yên vị.
Vấn đề đặt ra là chứng cứ ở đâu? Theo tôi, nếu đã có đủ chứng cứ thì phải truy tố trách nhiệm hình sự và đưa ra tòa xét xử. Nhưng khi xem xét đánh giá cán bộ để sử dụng tiếp tục hoặc bổ nhiệm đề bạt cấp cao hơn thì không nhất thiết phải có chứng cứ đầy đủ mà chỉ cần thu thập qua nhiều kênh thông tin từ sự phản ánh của quần chúng nhân dân, của cơ sở Đảng và đoàn thể nơi người cán bộ công tác, cư trú và nếu cần thì cả công luận; đồng thời phải xác minh tài sản, xem xét lối sống, sinh hoạt, quan hệ giao du của người cán bộ ấy.
Điều hết sức quan trọng là việc thu thập, xem xét, tổng hợp đánh giá những vấn đề nêu trên phải thật khách quan, công tâm, trung thực để từ đó có quyết định chính xác. Mặt khác, việc kiểm tra giám sát trong công tác tổ chức cán bộ phải làm thường xuyên, có định kỳ và đột xuất. Phải biết dựa vào quần chúng nhân dân và động viên họ góp ý xây dựng cho cán bộ.
Khi xem xét đánh giá mà thấy rằng phẩm chất đạo đức của người cán bộ đó không ổn, có vấn đề thì dù họ có tài cũng nên thay ngay mà không nên chờ hết nhiệm kỳ, vì càng kéo dài thì chỉ càng gây thêm tác hại. Nên lưu ý: nếu như cán bộ chỉ có đức mà không có tài thì cũng dễ bị bọn tham nhũng lợi dụng, do đó cũng phải xem xét.
Thiết nghĩ, cần phải xem xét, tổng kết lại nhiệm kỳ vừa qua, cấp ủy các cấp kể cả Trung ương đã có bao nhiêu cấp ủy viên bị xử lý. Và cũng đã đến lúc cần phải xem xét trách nhiệm của cá nhân và tổ chức đã giới thiệu và bảo lãnh cho họ vào cấp ủy hoặc vào một chức vụ nào đó. Việc chạy chức, chạy quyền để kiếm một vị trí chức vụ không phải là không có, rất tiếc cho tới nay chưa có vụ án nào về loại này bị đưa ra xét xử.
Tại Điều 4 Hiến pháp năm 1992 có ghi: “…Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật “, do đó việc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ cũng phải được luật hóa đầy đủ, phù hợp với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Luật phòng chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-6-2006 góp phần quan trọng trong phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, Luật có được thực hiện tốt hay không thì trước tiên cần phải làm tốt công tác tổ chức cán bộ. Làm tốt công tác này chính là đã phòng chống tham nhũng một cách có căn cơ, có hiệu quả.
LÊ THÚC ANH
(Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao )