Phòng tránh cuộc gọi lừa đảo: Xử lý triệt để SIM rác

Vấn nạn lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi rác có dấu hiện gia tăng từ đầu năm 2023, với tần suất, sự tinh vi, mức độ táo tợn ngày càng hơn trước. Mới đây, chiêu thức “có con đang cấp cứu” đã xuất hiện ở TPHCM và Hà Nội.

Vào cuối tháng 8-2022, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông, tất cả các nhà mạng di động Việt Nam đã ký thỏa thuận cam kết thực hiện ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, xử lý SIM có dấu hiệu vi phạm trên hệ thống. “Nhà mạng cần doanh thu, nhưng cũng không cần doanh thu từ những thuê bao phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Vì vậy, nhà mạng phải có trách nhiệm với khách hàng, với xã hội. Người sử dụng có trách nhiệm phối hợp để xác thực thông tin thuê bao chính chủ, việc này thực hiện rất thuận tiện thông qua các hình thức trực tuyến (video call), tại quầy giao dịch và hotline hỗ trợ của nhà mạng. Bộ TT-TT sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác”, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Một đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở quận Bình Thạnh

Một đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở quận Bình Thạnh

Trong năm 2022, Bộ TT-TT đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động đối với 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động. Qua hoạt động kiểm tra, Bộ TT-TT đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 39 đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền với tổng số tiền xử phạt 1,77 tỷ đồng. Thanh tra Bộ TT-TT yêu cầu các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền trên toàn quốc thực hiện nghiêm việc rà soát, chấm dứt ngay hoạt động đăng ký, kích hoạt, mua, bán SIM không đúng quy định của pháp luật. Chỉ tiếp nhận, đăng ký thông tin thuê bao sau khi kiểm tra, đối chiếu chính xác thông tin của cá nhân, tổ chức đến thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; từ chối giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với các cá nhân, tổ chức xuất trình giấy tờ không đúng quy định. Bảo đảm bí mật thông tin thuê bao đúng quy định của pháp luật; không được thu thập, sử dụng, phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác...

Công an TPHCM phá vụ lừa đảo qua mạng viễn thông tại quận Tân Bình, TPHCM

Công an TPHCM phá vụ lừa đảo qua mạng viễn thông tại quận Tân Bình, TPHCM

Thanh tra Bộ TT-TT cùng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động. Đồng thời sẽ xem xét việc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp đã bị xử lý vi phạm nhưng tiếp tục tái phạm; các trường hợp sử dụng trái phép thông tin của tổ chức, cá nhân để đăng ký SIM, mua, bán SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao với số lượng lớn.

Công an TPHCM làm việc với một đối tượng lừa đảo

Công an TPHCM làm việc với một đối tượng lừa đảo

Tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo là vấn nạn. Để giải quyết vấn nạn này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ, cần phải có sự chung tay của người sử dụng. Tỷ lệ phản hồi của khách hàng chính là cơ sở, căn cứ để nhà mạng tìm ra và chặn đứng cuộc gọi rác. Với các nhà mạng, ngoài cam kết, cần có quyết tâm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác, đảm bảo quyền lợi khách hàng. Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2023, ngành TT-TT sẽ tập trung tạo ra cách tiếp cận thiết thực, đem lại kết quả có lợi cho người dân. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông phải xử lý triệt để vấn đề SIM rác.

Vụ “Con cấp cứu ở bệnh viện, phải chuyển tiền”: Cử điều tra viên cao cấp phối hợp điều tra

Tối 7-3, một lãnh đạo Công an TPHCM cho biết, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM phối hợp cùng công an các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương điều tra vụ nhiều phụ huynh bị lừa đảo bằng chiêu trò gọi điện báo “có con cấp cứu ở viện phải chuyển tiền” xảy ra trên địa bàn trong vài ngày trở lại đây. Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM cho biết, ngay sau khi nhận thông tin về việc nhiều phụ huynh bị lừa đảo “con cấp cứu ở viện, phải chuyển tiền”, Phòng PC02 đã cử các điều tra viên cao cấp phối hợp các phòng nghiệp vụ của Công an TPHCM và công an các địa phương lấy lời khai những phụ huynh bị lừa để điều tra. Bước đầu, công an xác định các đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên, thầy cô giáo của nhà trường thông báo về trường hợp con của phụ huynh bị té ngã, phải vào bệnh viện cấp cứu điều trị, cần phụ huynh chuyển tiền gấp rồi chiếm đoạt.

Theo Phòng PC02, phần lớn các vụ lừa đảo qua mạng rất khó điều tra do các đối tượng lừa đảo ở nước ngoài, sử dụng số điện thoại đầu số lạ. Số tài khoản nhận tiền của nạn nhân là tài khoản tội phạm mua để sử dụng. Hoặc khi nạn nhân báo cơ quan chức năng thì các đối tượng chuyển tiền đã chiếm đoạt qua tài khoản khác. Công an TPHCM cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý việc mở tài khoản. Hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng khá dễ dàng, nên các đối tượng sử dụng sim rác, CMND giả hoặc thuê người khác mở tài khoản để nhận tiền lừa đảo. Đối với loại tội phạm lừa đảo, việc chính yếu vẫn là phòng ngừa. Vì thế, mỗi người dân cần tỉnh táo và cảnh giác trước các cuộc gọi từ người lạ.

Trang bị kỹ năng sàng lọc thông tin “xấu”

3 ngày qua, chiêu thức lừa đảo yêu cầu phụ huynh chuyển tiền với lý do “con cấp cứu ở bệnh viện, cần gấp chi phí phẫu thuật” tuy không mới nhưng vẫn khiến hàng chục phụ huynh sập bẫy. Trước đó, vào cuối năm 2022, trên địa bàn TPHCM từng xảy ra nhiều trường hợp phụ huynh nhận tin nhắn từ số điện thoại lạ tự nhận là bộ phận học vụ của nhà trường, yêu cầu phụ huynh chuyển khoản gấp học phí do đã hết thời hạn đóng tiền. Có thể thấy, năm học nào cũng xảy ra hình thức lừa đảo yêu cầu chuyển tiền, nhưng vẫn có phụ huynh trở thành nạn nhân do bị kẻ gian đánh vào tâm lý nôn nóng lo lắng cho con.

Cô Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) cho biết, hiện nay sổ liên lạc điện tử và giáo viên chủ nhiệm là hai đầu mối thông tin quan trọng giúp phụ huynh nắm bắt tình hình học tập và sinh hoạt của con ở trường. Phần lớn thông tin trao đổi đều được giáo viên chủ nhiệm chủ động thông báo đến phụ huynh qua các hình thức như ứng dụng sổ liên lạc điện tử, tin nhắn điện tử trên điện thoại di động, nhóm trao đổi qua zalo, viber, facebook, gửi mail… Trong mỗi lớp học đều có ban đại diện cha mẹ học sinh đóng vai trò là cầu nối thông tin giữa giáo viên chủ nhiệm và tất cả phụ huynh trong lớp. Khi nhận thông tin từ cuộc gọi có số máy lạ, phụ huynh nên bình tĩnh, cẩn thận kiểm tra thông tin từ giáo viên chủ nhiệm hoặc các phụ huynh khác trong lớp để không rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo.

Ngoài ra, theo cảnh báo của Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh, hiện nay phụ huynh có thói quen tham gia nhiều hội nhóm trên mạng xã hội. Đây là một trong những kênh khiến thông tin cá nhân của học sinh như tên trường, lớp, giáo viên chủ nhiệm… bị kẻ xấu khai thác và lợi dụng. Do đó, phụ huynh cần thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội, tránh để đối tượng xấu lợi dụng tiến hành các hành vi lừa đảo.

Trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, nhiều khả năng thời gian tới sẽ xuất hiện các hình thức lừa đảo mới. Vì vậy, biện pháp căn cơ để phụ huynh không rơi vào bẫy của kẻ gian là kỹ năng tiếp nhận và sàng lọc thông tin, trong đó có sự tăng cường kết nối thông tin giữa nhà trường và gia đình.

Ngày 7-3, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, Khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận 2 cuộc điện thoại của phụ huynh có con đang học tại trường quốc tế trên địa bàn TPHCM gọi đến để xác nhận có phải con và cháu đang điều trị tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện hay không. Trước đó, phụ huynh của cả hai trường hợp này đều nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, thông báo con và cháu bị ngã cầu thang, đang nằm cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, cần gia đình chuyển tiền gấp để bệnh viện mổ cấp cứu.

Tối cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, vừa ghi nhận 4 trường hợp đến bệnh viện tìm con vì nhận được thông tin con nhập viện cấp cứu. Trong đó anh N.V.T. (41 tuổi, quận 3, TPHCM) nghe báo con ngã, bị chấn thương sọ não, cần chuyển tiền gấp để bệnh viện tiến hành phẫu thuật nên đã chuyển 50 triệu đồng cho kẻ gian.

Xác minh ban đầu, tất cả những cuộc gọi thông báo trên đều là cuộc gọi lừa đảo. Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, bệnh viện luôn đặt tính mạng người bệnh lên trên hết và trước hết, không bao giờ yêu cầu bệnh nhân và gia đình đóng tiền trước rồi mới cấp cứu.

Một số bạn đọc có con đang theo học ở các trường tiểu học Dương Công Khi và Nguyễn An Ninh, huyện Hóc Môn, TPHCM cũng phản ánh đã nhận các cuộc gọi của người lạ mặt thông báo con mình bị té, bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, đang cấp cứu ở Bệnh viện Xuyên Á. Những đối tượng này yêu cầu phụ huynh chuyển khoản gấp một số tiền để làm thủ tục nhập viện hay sắp lịch phẫu thuật cho con. Bạn đọc đã tỉnh táo xử lý, liên hệ với nhà trường, giáo viên của lớp để kịp thời xác minh thông tin.

THÀNH AN - ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục