“Với truyền thống năng động, sáng tạo, TPHCM luôn có những đột phá và đi đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phong trào thi đua yêu nước. Phong trào thi đua yêu nước tại TPHCM thực sự khơi dậy ở mỗi cá nhân, mỗi tập thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đã có nhiều phong trào thi đua của TP được nhân rộng và lan tỏa cả nước, nhiều cá nhân điển hình trở thành điểm sáng”… đã nhận định như vậy trong buổi trò chuyện với PV Báo SGGP trước thềm đại hội thi đua yêu nước diễn ra sáng nay (14-6).
° Chủ tịch UBND TPHCM LÊ HOÀNG QUÂN: Có thể nói, 5 năm qua là giai đoạn có nhiều khó khăn và thách thức đối với sự phát triển của TP. Kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, tình hình khủng hoảng tài chính năm 2008, suy giảm kinh tế năm 2009 đã tác động đến nước ta, trong đó có TPHCM, nhất là trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, du lịch, xuất nhập khẩu cũng như vấn đề thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 39-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX) về đẩy mạnh đổi mới phong trào thi đua yêu nước, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Thành ủy, sự điều hành năng động, linh hoạt của UBND TP, sự phối hợp đồng bộ của UB MTTQ và các tổ chức đoàn thể TP, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân TP, nhiều phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua đã được tổ chức phát động mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu KT-XH. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 11%/năm, quy mô kinh tế TP năm 2010 gấp 1,7 lần năm 2005, GDP bình quân đầu người năm 2010 ước 2.800 USD, gấp 1,68 lần so với năm 2005 (1.660 USD). TP đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo theo tiêu chí 6 triệu đồng/người/năm và đang triển khai thực hiện đề án giảm hộ nghèo, tăng hộ khá theo tiêu chí mới, 12 triệu đồng/người/năm. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường được chú trọng; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có những chuyển biến tích cực; an ninh chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Từ kết quả phong trào thi đua yêu nước, 5 năm qua, TP đã đề nghị và được Nhà nước phong tặng 19 danh hiệu Anh hùng Lao động, 1 Huân chương Sao Vàng, 6 Huân chương Hồ Chí Minh…
° Bên cạnh những thành quả đáng trân trọng như đồng chí vừa nêu, phong trào thi đua tại một số nơi tồn tại tình trạng làm qua loa hoặc việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến còn mang tính hình thức?
° Đó là một thực tế và xảy ra ở những nơi mà tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể chưa quán triệt đúng mức, sâu sắc về vai trò, vị trí, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước. Do vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua thiếu cụ thể, chưa phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị và ít đôn đốc, kiểm tra các phong trào thi đua.
Ngoài ra, một thực tế khác mà tôi cũng khá băn khoăn là mặc dù tổ chức, nhân sự làm công tác thi đua, khen thưởng đã được kiện toàn và dần đi vào hoạt động ổn định nhưng cũng còn nhiều đơn vị thiếu quan tâm việc bố trí nhân sự có trình độ, tâm huyết, có khả năng tham mưu cho lãnh đạo. Chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách thi đua có nơi còn hạn chế. Nội dung sinh hoạt tại một số cụm khối thi đua còn nghèo nàn, chưa đề ra các tiêu chí giao ước thi đua… vì vậy quá trình bình xét thi đua, suy tôn đơn vị dẫn đầu còn gặp khó khăn, lúng túng. Tất cả những tồn tại, hạn chế này cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
° Xin đồng chí cho biết những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn việc thực hiện công tác thi đua khen thưởng trong 5 năm qua?
° Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 39-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn TP, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm. Đó là phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về vai trò, tác dụng và yêu cầu đổi mới nội dung công tác thi đua. Thực tiễn đã chứng minh, nơi nào mà lãnh đạo Đảng, chính quyền quan tâm đúng mức, coi công tác thi đua khen thưởng là biện pháp tích cực và hữu hiệu trong việc chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình thì nơi đó phong trào thi đua phát triển mạnh, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thiết thực và ngược lại. Cần phải thường xuyên đổi mới phương thức chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, giao quyền chủ động hơn cho cơ sở, định hướng mục tiêu phong trào thi đua phải sát với nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu, lợi ích của quần chúng nhân dân. Phong trào thi đua phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, thiết thực, hướng vào giải quyết những việc khó, những khâu đột phá; kế hoạch, nội dung, mục tiêu thi đua phải cụ thể, biện pháp tổ chức phải phù hợp theo từng chủ đề thi đua.
Chỉ có như vậy mới phát huy được tính năng động, sáng tạo và thế mạnh của mỗi đơn vị, cá nhân tham gia phong trào. Ngoài ra, phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra; tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời những nhân tố mới tích cực, tiêu biểu để động viên, giáo dục, nêu gương. Cũng cần thiết có sự phối hợp đồng bộ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua giữa chính quyền với UB MTTQ, đoàn thể các cấp nhằm phát huy tốt nhất vai trò, trách nhiệm của các thành viên hội đồng thi đua và khen thưởng các cấp.
° Hội đồng thi đua khen thưởng TPHCM đề ra mục tiêu gì trong 5 năm tới (2010 - 2015), thưa đồng chí?
° 5 năm tới, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, những bài học kinh nghiệm từ phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua, quyết tâm phấn đấu đạt GDP bình quân hàng năm đạt 11% và cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển, gắn với bảo vệ môi trường, tiến tới phát triển bền vững; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phấn đấu GDP bình quân đầu người vào năm 2015 đạt khoảng 4.400 USD.
Do vậy, nội dung phong trào thi đua tiếp tục gắn liền với nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và đột phá vào những lĩnh vực quan trọng gồm: Cải cách hành chính; đấu tranh phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thi đua thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn đơn vị mình sẽ xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động phong trào thi đua với những nội dung thiết thực; thi đua tại những khâu, lĩnh vực còn yếu kém, có như vậy mới tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM xứng đáng với danh hiệu TP anh hùng, TP XHCN, văn minh, hiện đại.
° Xin cảm ơn đồng chí!
VÂN ANH thực hiện
Thi đua - động lực của phát triển “Nụ cười công chức” thay đổi diện mạo Hải quan TP Tiến tới mục tiêu Hải quan Việt Nam trở thành Hải quan hiện đại, ngang tầm với một số nước tiên tiến trong khu vực, ngành Hải quan tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chương trình hiện đại hóa hải quan, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh. Nhiệm vụ toàn ngành là xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật hải quan ổn định, minh bạch và ứng dụng khoa học kỹ thuật để hoạt động quản lý hải quan phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Cán bộ công chức Hải quan phấn đấu chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi kỹ năng, tinh thông nghiệp vụ. Trước những yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng cao của ngành và đơn vị, Cục Hải quan TPHCM đã phát động cuộc vận động “Nụ cười công chức”, song song với phong trào “Tuổi trẻ Hải quan TPHCM thực hiện văn hóa giao tiếp”. Qua thời gian phát động, phong trào đã tác động mạnh mẽ đến từng cán bộ công chức, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên, phần nào đã cải thiện được những ứng xử chưa đúng mực, chưa văn minh, lịch sự của một số CBNV. (Trích tham luận của Cục Hải quan TPHCM)
Phong trào thi đua của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Co.opMart) gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh của toàn hệ thống, kết hợp hài hòa với từng địa phương mà đơn vị đang trú đóng. Mỗi năm, hoạt động thi đua cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện chủ đề hoạt động của Co.opMart như hợp tác phát triển vì một thương hiệu mạnh (năm 2005), tăng tốc phát triển mừng Co.opMart 10 năm (năm 2006), chuyên nghiệp, năng động tạo đột phá - đoàn kết, hợp tác tạo thành công (2007 – 2008), vượt qua thách thức, hợp sức thành công (năm 2009). Trên cơ sở mục tiêu của từng năm, Co.opMart đã phát động các phong trào thi đua theo từng chủ đề: Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đợt thi đua cao điểm phục vụ tết và bình ổn giá cả thị trường… Các phong trào thi đua luôn gắn chặt với nhiệm vụ chung của đơn vị đã góp phần tác động mạnh mẽ, tạo nên những thành tựu chung của Co.opMart. (Trích tham luận của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP) |