Hiện nay, các phụ kiện như bao da dành cho điện thoại, máy ảnh, túi chống sốc, chống thấm dành cho laptop… đang rất hút hàng và hầu hết mặt hàng này là hàng ngoại. Ngay cả phụ kiện cũng hiếm thấy hàng “Made in Viet Nam”. Vì sao doanh nghiệp Việt có khả năng sản xuất lại bỏ trống thị trường này?
Khảo sát những siêu thị điện máy lớn tại TPHCM (quận 1, 3, 10…) phần lớn các mặt hàng phụ kiện trang trí, bảo vệ hàng điện máy có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Mức giá dao động 90.000 - 200.000 đồng/chiếc. Khi chúng tôi tìm mua bộ lau chùi làm sạch cho máy tính (bình xịt, cọ lau, khăn lau, dung dịch làm sạch), nhân viên thường trưng ra các mặt hàng có xuất xứ “Made in China” mà không thấy bóng dáng hàng Việt Nam. Mức giá mỗi bộ làm sạch này dao động 50.000 - 100.000 đồng, tùy loại. Như để khách hàng tin tưởng, các nhân viên còn khẳng định: những mẫu này đang rất “hot”, trong nước chưa sản xuất được!
Trong số hàng chục kiểu dáng, mẫu mã làm mát cho laptop như: đế nhựa dẻo; đế hợp kim thép, inox quạt siêu nhỏ… người tiêu dùng rất khó tìm ra mặt hàng nội địa. Có vẻ như hàng Việt bị mất thị trường, hầu như không cạnh tranh nổi với hàng ngoại ngay trên sân nhà. Sau thời gian dò tìm, thỉnh thoảng người tiêu dùng mới phát hiện một vài nhãn hiệu Việt hiếm hoi. Chẳng hạn như túi xách đựng laptop của Công ty TNHH Thanh Mỹ, Công ty TNHH Hà Mã Việt, Miti bày bán tại một số công ty bán hàng điện tử.
Tính đồng bộ giữa phụ kiện với sản phẩm khá quan trọng. Thông thường, một chiếc điện thoại hay laptop… bán cho khách sẽ tặng kèm bao da, túi xách (đối với máy tính). Sản phẩm của thương hiệu nào thì có đồ tặng kèm của thương hiệu đó. Đối với thị trường châu Á, các hãng tên tuổi thường đặt Trung Quốc cung cấp các phụ kiện bao da, túi xách…
Hầu hết sản phẩm khuyến mãi kèm theo hàng chỉ có một chứ không có thêm bộ dự phòng, nên khi hư hỏng khách hàng phải tự tìm đồ thay thế. Những đồ phụ kiện này thường mau hỏng, nếu người dùng thường xuyên, liên tục. Ví dụ chiếc bao da điện thoại, được lấy ra nhiều lần trong ngày, nhanh bị trầy xước, rách. Điện thoại càng xịn, bao da càng mắc.
Trao đổi với chúng tôi, một nhân viên chuyên kinh doanh hàng điện tử, điện máy cho biết: Dường như các doanh nghiệp trong nước không quan tâm tới vấn đề này. Mặc dù đây là một thị trường rộng lớn, nhiều cơ hội. Bản thân các siêu thị cũng rất muốn hàng Việt có mặt để cung cấp cho khách hàng nội địa; nhưng chắc phải chờ thời gian dài. Do vậy, đến giờ hầu như các siêu thị chưa có con số cụ thể cho các phụ kiện hàng Việt này. Nếu có cũng là rất ít, không đáng kể.
Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ khách hàng có tâm lý sính ngoại, chưa chấp nhận hàng Việt. Tầng lớp này thường là giới trẻ. Các nhà sản xuất hàng điện tử, điện máy quốc tế thường tập trung hướng tới đối tượng tiêu dùng thanh niên. Do vậy thiết kế sản phẩm phụ kiện của họ có màu sắc khá bắt mắt, thu hút “thượng đế”. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao hàng Việt vẫn vắng bóng tại các sân chơi nội.
Có vẻ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước chưa gặp nhau. Tại sao một thị trường rộng mở, phù hợp với khả năng, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp nội địa nhưng chúng ta không tận dụng. Trong khi các doanh nghiệp Việt miệt mài khẳng định thương hiệu giày da, dép da, túi da… ở các phương trời ngoại, thì thị trường phụ kiện bảo vệ hàng điện tử, điện máy trong nước bỏ ngỏ. Không hiểu doanh nghiệp Việt nghĩ gì, khi người tiêu dùng mua về những thứ túi da, bao da, đế quạt tản nhiệt… ngoại nhập mà chính họ sản xuất được? Nên chăng, các doanh nghiệp trong nước cần xác định hướng đi phù hợp để tung ra thị trường các mặt hàng nội “Made in VietNam”; phục vụ nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng Việt.
THI HỒNG