Phúc thẩm lần 3 "vụ án vườn mít": Y án sơ thẩm, tuyên phạt Lê Bá Mai án tù chung thân

Phúc thẩm lần 3 "vụ án vườn mít": Y án sơ thẩm, tuyên phạt Lê Bá Mai án tù chung thân

(SGGPO).- Ngày 30-8, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm đối với Lê Bá Mai (31 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) về hai tội "Giết người" và "Hiếp dâm trẻ em". Vụ án này - còn được gọi là "vụ án vườn mít" - kéo dài gần 9 năm, được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, người đã viết thư gửi Chủ tịch nước đề nghị quan tâm đến vụ án này) cũng có mặt tại phiên tòa.
 
Theo bản án sơ thẩm, sáng 12-11-2004, Lê Bá Mai nhìn thấy cháu Thị Út (vào thời điểm đó 11 tuổi, ngụ xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước) và chị họ đang mót củ mì (sắn) gần nơi Mai làm khoảng 50m, nên nảy sinh ý định giao cấu.

Mai dùng xe gắn máy chạy đến rủ Út vào khu vườn mít ở gần đó, dùng tay đánh vào gáy Út bất tỉnh rồi thực hiện hành vi hiếp dâm. Sau đó, Mai thấy Út còn sống nên lấy quần của nạn nhân siết cổ cho đến chết, rồi vùi xác vào gốc cây mít và trở về chòi tắm rửa, ăn cơm như không có chuyện gì xảy ra.

Dù kháng cáo kêu oan, Lê Bá Mai vẫn bị tuyên có tội, lãnh án tù chung thân
Dù kháng cáo kêu oan, Lê Bá Mai vẫn bị tuyên có tội, lãnh án tù chung thân

Không thấy con trở về, cha mẹ của nạn nhân Út đi tìm thì vào ngày 16-11-2004 đã phát hiện xác con mình bị vùi lấp, đã phân hủy tại khu vườn mít thuộc trang trại của ông Dương Bá Tuân (nơi Mai làm công). Lê Bá Mai bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi "Giết người" và "Hiếp dâm trẻ em".
 
Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Mai luôn khẳng định mình không thực hiện hành vi hiếp dâm và giết chết cháu Út. Tuy nhiên, hội đồng xét xử đặt ra nhiều vấn đề: vì sao tại cơ quan điều tra, bị cáo khai nhận những hành vi này - kể cả những buổi hỏi cung có mặt luật sư bào chữa; vì sao sau phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, bị tuyên án tử hình nhưng bị cáo không kháng cáo kêu oan mà chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt...

Đối với những câu hỏi này, bị cáo Mai một mực cho rằng phải khai nhận tội theo sự ép cung của cơ quan điều tra và viện kiểm sát, khai theo hồ sơ cũ; do không biết cách viết đơn kháng cáo kêu oan như thế nào nên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
 
Một trong những nhân chứng được dành nhiều thời gian thẩm vấn là ông Trần Văn Sinh, vào thời điểm xảy ra vụ án là công an viên của xã An Khương. Luật sư hỏi vì sao khi ghi lời khai báo ban đầu của cháu Hằng (người đi mót củ mì chung với cháu Út) về việc thấy bị cáo Mai chở cháu Út đi, ông lại ghi trong biên bản là "một người thanh niên". Ông Sinh cho biết: do giữa ông và ông Dương Bá Tuân đang có mâu thuẫn, ông ghi trớ ra như vậy để tránh mâu thuẫn phát sinh thêm.
 
Dù bị cáo Mai không nhận tội tại phiên tòa, nhưng trong phần luận tội, kiểm sát viên Nguyễn Thanh Sơn (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3, giữ quyền công tố tại phiên tòa) cho rằng những lời khai nhận tội trước đó của bị cáo tại cơ quan điều tra phù hợp với hiện trường, với lời khai của những nhân chứng và chứng cứ khác cho thấy bị cáo đã thực hiện hành vi giao cấu với cháu Út, sau đó giết chết cháu. Do vậy, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Mai, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao tại TPHCM, tuyên tăng hình phạt từ chung thân lên tử hình đối với bị cáo Mai.
 
Trong phần bào chữa, ba luật sư Trịnh Thanh, Huỳnh Thế Tân, Bùi Quang Nghiêm đưa ra nhiều chi tiết cho thấy quá trình tố tụng có nhiều sai sót, vi phạm. Từ đó, các luật sư đề nghị hội đồng xét xử tuyên bị cáo vô tội, trả tự do tại tòa. Công tố viên thừa nhận có một số sai sót, nhưng những sai sót này không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án; vẫn giữ nguyên quan điểm luận tội đối với bị cáo.
 
Lúc 18 giờ, hội đồng xét xử tuyên án. Theo nhận định của hội đồng xét xử, kháng cáo kêu oan của bị cáo Mai và lời bào chữa bị cáo không phạm tội của các luật sư là không có căn cứ, bởi lẽ chứng cứ và lời khai then chốt cho thấy hành vi phạm tội của bị cáo là có thật. Mức án mà bản án sơ thẩm đã tuyên là phù hợp, không nhất thiết tăng nặng hình phạt đối với bị cáo. Do vậy, hội đồng xét xử quyết định bác kháng cáo của bị cáo Mai, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước, tuyên y án sơ thẩm, xử phạt Lê Bá Mai mức án chung là tù chung thân về hai tội "Giết người" và "Hiếp dâm trẻ em".

Quá trình xét xử vụ án

 Lần 1: Tháng 3-2005, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên bị cáo Lê Bá Mai mức án tử hình về hai tội "Giết người", "Hiếp dâm trẻ em". Bị cáo kháng cáo. Tháng 8-2005, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, tuyên giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo Mai.
 
Tuy nhiên, tháng 12-2006, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, với lý do chưa có căn cứ vững chắc và có nhiều vi phạm trong quá trình điều tra vụ án, thiếu sót trong việc khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ. Tháng 2-2007, Hội đồng Thẩm phán - TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước và bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM, giao vụ án điều tra lại từ đầu theo quy định pháp luật.
 
Lần 2: Tháng 5-2011, TAND tỉnh Bình Phước lại đưa ra xét xử sơ thẩm. Hội đồng xét xử tuyên Lê Bá Mai không phạm tội và trả tự do ngay tại phiên tòa.

Tháng 6-2011, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước ký quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước để xét xử lại, tuyên Lê Bá Mai phạm hai tội "Hiếp dâm trẻ em" và "Giết người" như Viện KSND tỉnh Bình Phước đã truy tố. Giữa tháng 6-2012, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm. Bị cáo Mai bị bắt lại nhằm đảm bảo cho việc xét xử.

 Lần 3: Ngày 5-1-2013, TAND tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Lê Bá Mai mức án tù chung thân về hai tội "Giết người" và "Hiếp dâm trẻ em", buộc bồi thường cho gia đình bị hại số tiền hơn 81 triệu đồng. Bị cáo Mai tiếp tục kháng cáo kêu oan. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước ra quyết định kháng nghị lên TAND tối cao tại TPHCM, đề nghị xét xử theo hướng tăng án lên tử hình đối với Lê Bá Mai vì cho rằng mức án tù chung thân chưa đủ sức răn đe.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục