Phục vụ Tết Ất Mùi 2015: Hơn 15.849 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa

Chiều 13-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành chức năng về công tác chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Theo dự báo, hàng hóa năm nay sẽ rất dồi dào, giá bán tiếp tục ổn định.
Phục vụ Tết Ất Mùi 2015: Hơn 15.849 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa

Chiều 13-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành chức năng về công tác chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Theo dự báo, hàng hóa năm nay sẽ rất dồi dào, giá bán tiếp tục ổn định.

Cung ứng hàng hóa tăng 62,92%

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, tại thời điểm này, tất cả các doanh nghiệp (DN) tham gia Chương trình bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm đã hoàn tất kế hoạch cân đối cung cầu hàng hóa, chuẩn bị cho dịp Tết Ất Mùi 2015. Theo tính toán, khả năng cung ứng hàng hóa của các DN tăng bình quân 62,92% so kế hoạch TP giao và tăng 79,51% so với Tết Giáp Ngọ 2014.

Nhiều mặt hàng bình ổn được chuẩn bị với số lượng lớn, khả năng chi phối từ 30% - 60% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (63,4%), dầu ăn (65,5%), đường (57,7%), trứng gia cầm (42,3%), thực phẩm chế biến (52,7%). Do xu hướng tiêu dùng những năm gần đây đã có sự thay đổi, người dân tiêu thụ mặt hàng rau củ quả ngày càng nhiều hơn nên lượng hàng chuẩn bị tăng trên 121,1%.

Chế biến thực phẩm phục vụ Tết Ất Mùi 2015 tại Công ty APT. Ảnh: CAO THĂNG

Tổng giá trị hàng hóa các DN tại TPHCM chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Ất Mùi 2015 là 15.849,4 tỷ đồng, tăng 8.267,7 tỷ đồng (109%) so với Tết Giáp Ngọ 2014; trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 8.304 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Ất Mùi 2015 (từ ngày 20-1-2015 đến ngày 18-2-2015, tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch) tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 9.262,8 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.861,8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cũng cho rằng, thời tiết đang rất thuận lợi cho việc phát triển tổng đàn trên bình diện cả nước. Riêng tại TPHCM, các DN bình ổn cũng đang tăng tốc phát triển tổng đàn, trong đó tổng đàn heo hiện đã tăng khoảng 9%, gà 19% và trứng gia cầm 17%. Với tình hình này, giá bán các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm và trứng gia cầm sẽ tiếp tục ổn định.

Tại các hệ thống Maximark, Citimart, Giant, BigC... đều có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng tăng gấp 2 - 3 lần tháng thường. Tại các chợ truyền thống, Sacombank chuẩn bị gói tín dụng ưu đãi 1.500 - 2.000 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm để hỗ trợ tiểu thương, DN vừa và nhỏ dự trữ hàng tết. Các công ty bánh kẹo năm nay sẽ đưa ra nhiều mẫu mã mới, đồng thời tăng sản lượng từ 20% - 30% so với năm ngoái. Các công ty rượu, bia, nước giải khát tăng sản lượng lên 50% so với tháng thường, đảm bảo cung cầu và giá cả ổn định trong dịp tết.

Căn cứ vào khả năng cung - cầu thị trường, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho thị trường tết tại TPHCM được xác định như sau: các DN tham gia chương trình bình ổn chiếm từ 30% - 40% thị phần; nguồn cung các mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản từ 3 chợ đầu mối chiếm 60% - 70% thị phần; các công ty, DN khác chiếm 10% - 20% thị phần.

Giám sát chặt giá cả

Về giá cả, các DN cam kết sẽ giữ giá ổn định trong tháng trước trong và sau tết. Ngoài ra, Sở Công thương cũng yêu cầu các DN đăng ký cụ thể chương trình khuyến mại, giảm giá các mặt hàng thiết yếu vào những ngày cận tết để thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, hỗ trợ người dân TP mua sắm phục vụ tết. Một số mặt hàng có sức mua tăng cao vào dịp giáp tết như trứng gia cầm, thịt gia súc, thịt gia cầm, sở cũng yêu cầu các hệ thống phân phối, các chợ truyền thống rà soát loại khả năng cung cầu, có đăng ký số lượng cụ thể với các DN cung ứng trong chương trình.

Sản xuất lạp xưởng tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, mặt hàng truyền thống trong dịp tết. Ảnh: CAO THĂNG

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, còn 3 tháng nữa là đến tết, bên cạnh công tác chuẩn bị nguồn hàng, các sở ngành cần theo dõi và nắm sát diễn biến thị trường, từ đó có những phân tích, đánh giá để triển khai, hỗ trợ các thành phần kinh tế chuẩn bị hàng hóa phù hợp và kịp thời. Về cơ cấu các nhóm hàng, đặc biệt là hàng đặc trưng cho mùa mua sắm tết, nên căn cứ vào kết quả tiêu dùng của năm trước và sức mua trong thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch sát thực, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều trong khi mức cầu không tăng cao, ảnh hưởng đến DN.

Phó Chủ tịch cũng lưu ý, các sở, ngành phối hợp với hội phụ nữ và ban quản lý các chợ hình thành kế hoạch hướng dẫn, vận động tiểu thương và người tiêu dùng không tham gia mua - bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bằng nhiều cách, TPHCM phải từng bước xây dựng được nếp kinh doanh văn minh tại các chợ, nói không với hàng gian, hàng giả và kém chất lượng. Trong 10 ngày tới, Sở Tài chính và các sở, ngành chức năng phải xây dựng xong kế hoạch kiểm tra, giám sát cung cầu hàng hóa, kiểm soát hàng gian, hàng giả và quản lý giám sát giá, đặc biệt là giá dịch vụ thường đồng loạt tăng vào dịp tết. Trong trường hợp nơi nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá thì người đứng đầu của địa bàn đó chịu trách nhiệm trước UBND TP. Đối với những địa điểm phát hiện tự ý nâng giá dịch vụ tăng cao trong dịp tết, các sở, ngành sẽ tiến hành truy thu thuế hoặc phạt thật nặng đối với hành vi vi phạm.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục