Phương Tây lo ngại các công ty công nghệ bị thâu tóm

Hãng thông tấn Đức DPA đưa tin, chính phủ nước này vừa ngăn chặn vụ một công ty quốc phòng của Trung Quốc tìm cách thâu tóm IMST - một công ty chuyên về công nghệ vệ tinh và vô tuyến của Đức, trong đó có công nghệ 5G - vì những rủi ro đối với an ninh quốc gia. 
Phương Tây ngày càng lo ngại Trung Quốc nắm giữ các công nghệ quan trọng
Phương Tây ngày càng lo ngại Trung Quốc nắm giữ các công nghệ quan trọng

Lo ngại về quốc phòng

DPA dẫn một tài liệu của Chính phủ Đức cho biết, IMST có trụ sở tại bang Nordrhein-Westfalen, là mục tiêu thâu tóm của Công ty Addsino - một chi nhánh của Công ty Khoa học và Công nghệ vũ trụ Trung Quốc - tập đoàn quốc phòng nhà nước chuyên sản xuất hệ thống viễn thông quân sự của nước này.

Bộ Kinh tế Liên bang Đức xác nhận, Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã thống nhất phong tỏa kế hoạch thâu tóm của một công ty “nước ngoài”, song không nêu tên các công ty liên quan.

Viện dẫn một tài liệu của Chính phủ Đức, DPA cho biết Berlin lo ngại vụ thâu tóm của Bắc Kinh có thể gây ra “những nguy cơ thực sự và nghiêm trọng”. Nếu không có lệnh cấm, công nghệ của Đức sẽ được Trung Quốc nắm bắt và sử dụng cho chiến lược vũ trang của nước này. Trong bối cảnh các công ty Trung Quốc muốn thâu tóm bí quyết công nghệ của Đức ngày càng nhiều, Chính phủ của Thủ tướng Merkel đang thúc đẩy tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động thâu tóm của các công ty ngoài Liên minh châu Âu (EU). Quy định hiện hành cho phép Chính phủ Đức có thể kiểm tra các vụ mua bán từ mức 25% cổ phần trở lên, song một bản dự thảo luật đang được chờ đợi sẽ hạ ngưỡng cho phép xuống 10%.

IMST đã phát triển một bộ phận then chốt cho vệ tinh quan sát Trái đất TerraSAR-X, trong đó dữ liệu được Bộ Quốc phòng Đức sử dụng để xây dựng các mô hình 3D để phục vụ mục đích mô phỏng hoặc phát triển các hệ thống vũ khí. IMST cũng đang tham gia phát triển công nghệ 5G và sẽ không được Berlin coi là đối tác đáng tin cậy nếu công ty này bị một doanh nghiệp quốc phòng Trung Quốc kiểm soát.

Phương Tây chậm chân?

Nhiều năm qua, Chính phủ và Quốc hội các nước phương Tây đã tăng cường nỗ lực nhằm hạn chế các công ty Trung Quốc mua lại các công ty sáng tạo nhất của họ. Vương quốc Anh đang tăng cường luật pháp nhằm hạn chế hoạt động mua lại của nước ngoài. Thụy Điển, Pháp, Đức và Italy đã làm như vậy. Vào tháng 10 năm nay, cơ chế sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU bắt đầu hoạt động đầy đủ. Nhưng theo tạp chí Foreign Policy, những quy định pháp luật chống lại việc nước ngoài mua các công ty phương Tây có thể đã quá muộn. Trung Quốc tham gia vào các công ty khởi nghiệp phương Tây từ rất lâu.

Ví dụ, ở Thụy Điển, từ năm 2014 đến năm 2019, người Trung Quốc đã mua 51 công ty Thụy Điển và mua cổ phần thiểu số trong 14 công ty bổ sung. Các thương vụ mua lại cũng bao gồm khoảng 100 công ty con. Đáng lo nhất là vào năm 2018, các công ty Trung Quốc - 2 trong số đó có liên quan đến quân đội - đã mua 3 công ty khởi nghiệp bán dẫn tiên tiến của Thụy Điển. Vào năm 2017, một công ty thuộc sở hữu của một bộ phận đầu tư Trung Quốc do nhà nước kiểm soát đã mua Imagination - nhà sản xuất chip hàng đầu của Anh. Trước đó, một công ty Trung Quốc đã mua Kuka - nhà sản xuất robot công nghiệp hàng đầu của Đức.

Công viên Khoa học Cambridge (Anh), thuộc sở hữu của Đại học Cambridge, là nơi đặt trụ sở của khoảng 120 công ty công nghệ tiên tiến. Mạng 5G tư nhân đầu tiên của Vương quốc Anh sắp được ra mắt tại đây. Hai công ty đứng sau mạng lưới này là Cambridge Wireless có trụ sở tại Cambridge và Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.

Mặc dù bị Chính phủ Anh cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G của quốc gia này, Công ty Cambridge Wireless vẫn đang cùng nhau xây dựng và triển khai mạng 5G. Tình hình cũng tương tự ở thung lũng Silicon (Mỹ). Puhua Capital, một trong những công ty đầu tư của Trung Quốc, là nhà tài trợ chính cho các công ty khởi nghiệp công nghệ cao tại California.

Tin cùng chuyên mục