Phương thuốc thần kỳ

Sau gần 2 tuần diễn ra những cuộc tranh tài mang đậm tinh thần thể thao, Đại hội thể thao Olympic mùa Đông 2010 dành cho người khuyết tật (Paralympic 2010) sẽ khép lại hôm nay, 21-3 (theo giờ địa phương). Đây là lần đầu tiên Canada đăng cai Paralympic mùa Đông.
Phương thuốc thần kỳ

Sau gần 2 tuần diễn ra những cuộc tranh tài mang đậm tinh thần thể thao, Đại hội thể thao Olympic mùa Đông 2010 dành cho người khuyết tật (Paralympic 2010) sẽ khép lại hôm nay, 21-3 (theo giờ địa phương). Đây là lần đầu tiên Canada đăng cai Paralympic mùa Đông.

Hơn 1.350 vận động viên (VĐV) khuyết tật đến từ 45 quốc gia trên thế giới được tranh tài ở 5 bộ môn thi đấu. Những khoảnh khắc xúc động, ấn tượng trong thi đấu của những VĐV này chính là yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của Paralympic 2010.

Đây không chỉ là một đại hội thể thao được nhiều người mong đợi, chào đón mà còn là nơi hội tụ những hình ảnh vô cùng sinh động về những số phận đã dốc hết ý chí và nghị lực, vượt lên chính bản thân mình với niềm khát khao mãnh liệt.

Chuyên gia thể thao Dan Humphreys, thuộc Trung tâm trị liệu Shepherd ở Atlanta cho biết, theo dõi Paralympic hay những đại hội thể thao khác dành cho người khuyết tật sẽ có tác động rất lớn, tích cực với những người cùng cảnh ngộ. Đó có thể là những người kém may mắn từ khi mới sinh ra hoặc những người gặp phải những tai nạn bất ngờ, cướp đi sự lành lặn trên cơ thể, khiến họ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, hoang mang.

Ông Dan Humphreys khẳng định đã có rất nhiều bệnh nhân trải qua quá trình trị liệu ở Trung tâm Sherpherd tìm được hướng rẽ mới kể từ khi theo dõi những cuộc tranh tài này.

Jasmin Bambur.

Jasmin Bambur.

Điển hình là VĐV Jasmin Bambur, người 10 năm trước đã từng là VĐV bóng ném xuất sắc. Jasmin có ước mơ được chơi cho đội tuyển bóng ném quốc gia. Thế nhưng, chỉ một sơ suất nhỏ khi đang lái xe đã khiến anh chịu cảnh chấn thương nặng ở cột sống làm liệt cả hai chân khi chỉ mới tròn 20 tuổi. 10 tháng sau tai nạn này, anh được đưa đến Trung tâm Shepherd. Và chính ở nơi đây, Jasmin bắt đầu được “tái sinh”.

Quãng thời gian ấy đối với anh như cơn ác mộng lặp đi lặp lại mỗi ngày. Jasmin đã bực dọc và quát mắng tất cả những ai muốn đến gần giúp đỡ anh vì mặc cảm mình có thể gây phiền phức cho mọi người. Đến khi đồng ý tiếp nhận những bài tập phục hồi đầu tiên, anh phải cắn răng đau đớn, ngã quỵ và tuyệt vọng. Những động tác đã từng đơn giản thì lúc ấy lại trở nên vô cùng khó khăn và đầy thách thức với anh.

Ngay những khoảnh khắc muốn buông tay đầu hàng ấy, Jasmin đã được củng cố tinh thần khi nhìn thấy hình ảnh những VĐV khuyết tật trong chương trình thi đấu Paralympic được phát thường xuyên ở Trung tâm Shepherd.

Và một kỷ niệm đáng nhớ nhất mà VĐV này chia sẻ chính là vị bác sĩ trực tiếp điều trị có một lần đã đưa cho anh xem một album ảnh của cô và chồng mình, cũng là người khuyết tật. Những bức ảnh chụp lại cho thấy chồng của cô sinh hoạt như một người hoàn toàn bình thường, nhờ vào sự hỗ trợ kiên trì của cô.

Tất cả đã mang lại cho Jasmin động lực lớn lao, giúp anh gượng dậy để hoàn thành bài tập của mình và sau đó là ước mơ một ngày nào đó được trở thành VĐV chính thức của một kỳ Paralympic. Ước mơ này đã trở thành hiện thực khi mùa giải năm nay, Jasmin vinh dự là người Serbia đầu tiên tham gia Paralympic.

1.350 VĐV với từng ấy câu chuyện khác nhau nhưng họ đều có cùng một mong muốn là được sống thật hữu ích để tiếp tục truyền ngọn lửa lạc quan và đam mê cho những người cùng chung số phận. Thể thao lành mạnh không khác nào một phương thuốc thần kỳ giúp chữa lành những mặc cảm vết thương thể xác cũng như tinh thần của bất cứ ai. 

HÀ NHI

Tin cùng chuyên mục