Cựu chiến binh, TS Nguyễn Minh Vỹ sinh ngày 7-12-1945 tại Hải Dương. Năm 1965, khi đang còn là sinh viên năm thứ 2, Khoa Vô tuyến điện, Đại học Kỹ thuật thông tin (phân hiệu của Đại học Bách khoa Hà Nội), ông vinh dự là một trong số ít người được tuyển chọn về Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ của CP16 (mật danh của một đơn vị đặc biệt thuộc Bưu điện Trung ương). Ông nhận được lệnh điều động đi công tác phục vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam cuối năm 1966, với nhiệm vụ làm Điện báo viên vô tuyến điện. Ông còn từng là Ủy viên Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Trị và Bí thư Đoàn khối cơ quan Tỉnh ủy trong chiến tranh.
Gần 10 năm tại Quảng Trị - một trong những chiến trường gian khổ và ác liệt nhất, điện báo viên vô tuyến Nguyễn Minh Vỹ đã làm nhiệm vụ của một người lính trận. Ông đã trực tiếp chuyển và tiếp nhận hàng ngàn bức điện mật có nội dung quan trọng, nhiều lần giáp mặt với sự sống và cái chết. Không chỉ có vậy, bằng niềm đam mê chụp ảnh, ông đã ghi lại hàng ngàn bức ảnh đen trắng, phản ánh hoạt động của ngành Giao bưu và Thông tin trên chiến trường, cùng cuộc chiến đấu của quân và dân Quảng Trị.
Từ năm 1971, khi Phân xã TTXVN tại Quảng Trị được thành lập, Nguyễn Minh Vỹ đã trở thành một trong những phóng viên đầu tiên thường trú tại đây. Ông bám sát bộ đội trong các trận đánh. Đó là những khoảnh khắc vô giá của lịch sử và vô tình Nguyễn Minh Vỹ đã đóng vai trò như một phóng viên chiến trường, một người “ghi nhật ký” bằng ảnh và một nhân chứng lịch sử. Rất nhiều bức ảnh trong số đó đã được TTXVN công bố trước năm 1975.
Năm 2015, như một sự hữu duyên, TS Nguyễn Minh Vỹ đã gặp Đại tá, CCB Đặng Vương Hưng, một nhà văn chuyên sưu tầm và giới thiệu tư liệu chiến tranh. Nhà văn Đặng Vương Hưng đã trợ giúp TS Nguyễn Minh Vỹ biên soạn tư liệu, viết chú thích ảnh và tổ chức bản thảo cuốn sách ảnh Phút giây đáng nhớ về chiến trường Quảng Trị. Sách đã được NXB Công an nhân dân ấn hành trong năm đó.
Liệt sĩ Phạm Văn Cao, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, có mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (có chồng và 8 người con là liệt sĩ tại Triệu Phong, Quảng Trị). Bức ảnh mà TS Nguyễn Minh Vỹ chụp trở thành di ảnh hiếm hoi của liệt sĩ Phạm Văn Cao. Sau khi cuốn sách Phút giây đáng nhớ được xuất bản lần đầu tiên, gia đình liệt sĩ Phạm Văn Cao đã lấy ảnh trong sách để phóng to làm chân dung, tổ chức lại Lễ truy điệu cho liệt sĩ tại quê nhà và đưa bức ảnh này lên bàn thờ dòng họ.
Trong chương trình ra mắt ấn phẩm Phút giây đáng nhớ, con trai của liệt sĩ Phạm Văn Cao là bác sĩ Phạm Văn Bằng cũng có mặt. Anh bày tỏ lòng biết ơn đối với TS Nguyễn Minh Vỹ bởi bức ảnh quý giá về người cha của mình. Theo anh Bằng, khi bố anh hy sinh, trong nhà không có ảnh để làm ảnh thờ. Bản thân anh sinh ra cũng chưa được gặp bố, và dù được hàng xóm khen “giống bố như đúc” nhưng vẫn không thể hình dung được cụ thể khuôn mặt của bố mình. Chính vì lẽ đó, bức ảnh mà TS Nguyễn Minh Vỹ chụp và gửi tặng gia đình có ý nghĩa không nhỏ đối với anh và cả gia đình, dòng họ.
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Quảng Trị (1972 - 2022) và 78 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2022), được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc, ấn phẩm Phút giây đáng nhớ được tái bản có chỉnh sửa và bổ sung. So với bản in lần đầu chỉ có 168 trang, bản in mới của Phút giây đáng nhớ đã thêm tư liệu ảnh, thành 204 trang.
Đặc biệt, bản in năm 2022 có thêm 3 chùm ảnh tư liệu về chiến trường Quảng Trị vô giá của Anh hùng LLVTND, Viện sĩ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng); Anh hùng LLVTND Thiếu tướng Trương Hữu Quốc (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an) và CCB Xe tăng, Hoạ sĩ Lê Trí Dũng.