1. Đến một lúc nào đó, người ta sẽ nhận ra giấc mơ là một phần của đời sống. Người ta sống không thể không có những giấc mơ.
Tôi thường mơ thấy một dòng sông đi ra từ rừng đến với đô thị lớn - sông Sài Gòn. Ở vùng thượng nguồn dòng sông này, chỉ là một dòng suối chảy giữa rừng già. Giữa tháng 9, mưa dồn dập, mưa dữ dội cùng dông lốc sấm sét. Nước từ trên trời trút xuống, từ mọi hướng đổ về. Nước dâng lên vùn vụt, lặng lẽ quét dọn, thu gom các thứ rác, những thứ mục nát về dòng nước. Đôi khi nước sôi sục, cuồng nộ, nhưng nhìn chung vẫn bình tĩnh hiền hòa. Sóng từ dưới trào lên.
Trong dòng lũ màu vàng lợt ấy xuất hiện một cảnh tượng đặc biệt: Trên một thân cây gỗ mục bị lũ cuốn trôi theo dòng nước có một con rắn cuộn mình che đỡ cho một con chuột khỏi rơi xuống nước. Đầu con rắn luôn chuyển động để giữ thăng bằng cho con chuột. Không biết sau khi thoát khỏi cơn lũ, con rắn hổ đất có ăn tươi nuốt sống con chuột không? Chắc chắn là có. Đấy là sự sắp đặt của tự nhiên, kẻ săn mồi phải bắt con mồi để tồn tại. Không thể làm khác. Dầu vậy, trong cơn hoạn nạn, sống chết cận kề, mọi thứ đều phải nương tựa vào nhau. Cũng là sự sắp xếp của tự nhiên. Chuyện ấy là một sự thật, luôn song hành với một sự thật khác.
Một dòng nước trong vắt êm ả lượn quanh những tảng đá màu xanh đen, màu trắng bạc và những bông mua tím ngả ngớn, cười đùa cùng sóng nước. Vào những đêm trăng sáng, dòng nước lăn tăn ánh bạc, bừng sáng một góc trời và xuyên qua màn đêm nối với dòng ngân hà trên trời cao. Từ đầu nguồn nhìn về cuối nguồn, có cảm giác như dòng sông ấy chảy lên cao, cao mãi.
Gần 50 năm rồi, tôi chưa về thượng nguồn.
2. Đến một lúc nào đó, người ta nhận ra sự thật: Sông cũng như con người, đều có số phận riêng.
Đến với sông Sài Gòn, chắc hẳn ai cũng biết đây là một trong số những dòng sông chịu nhiều bom đạn chiến tranh nhất của Việt Nam. Những ai từng sống ở khu vực sông Sài Gòn vùng Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và thành phố Sài Gòn từ những năm 1960 đến 1975 đều biết rõ sự tàn phá của chiến tranh khốc liệt, khủng khiếp như thế nào. Chỉ có thể dùng cụm từ “hủy diệt” để mô tả. Có ai đó viết mấy câu thơ: Bên kia sông những cánh rừng chết đứng. Bên này sông những cánh đồng cháy đen. Bom đạn nhiều hơn mưa, nắng. Đất nối trời từ những hố bom. Và dòng sông vẫn ẩn hiện trong xanh.
Những thế hệ sau này chỉ có thể biết được những cánh rừng chết đứng, những đồng cỏ cháy đen vì chất hóa học, vì bom đạn qua những thước phim và ảnh tư liệu.
Liệu các bạn trẻ có thể cảm nhận được sự hủy diệt của chiến tranh và một dòng sông xanh trong bình lặng đi qua chiến tranh.
Có một chàng lính trẻ quê ở vùng sông Hồng theo đội hình quân giải phóng vượt Trường Sơn đến với sông Sài Gòn. Mùa mưa năm 1972, trong trận đánh ở Phú Hòa Đông, chàng trai bị thương khi vượt sông Sài Gòn. Chàng trai sẽ chết nếu không có một nữ du kích lặn ngụp trong dòng nước để đưa vào bờ và chữa trị. Tình yêu đến với họ một cách tự nhiên. Như xuân về, hoa nở. Họ đã nên vợ chồng.
Có một cô sinh viên nhà ở nội thành Sài Gòn vượt qua bom đạn, ngược theo dòng sông để thực hiện lời hẹn ước. Cô đã tìm thấy người yêu và họ đã tổ chức đám cưới trong bom đạn ở bên sông Sài Gòn, bên một dòng chảy lênh đênh hoa tím lục bình…
Đến một lúc nào đó, ai ai cũng nhận ra, tất cả các dòng sông đều chảy và dòng sông không chỉ định vị trong thế giới tự nhiên, mà còn định vị trong trái tim con người. Sông không chỉ là dòng chảy của nước, đấy còn là dòng chảy của cuộc sống. Người ta tìm đến sông để tồn tại, để phát triển. Sông giúp người thực hiện những ước mơ.
Sông Sài Gòn chỉ dài hơn 200km, nơi rộng nhất không quá 300m, độ sâu không quá 30m, một dòng sông không lớn, nhưng vĩ đại, vĩ đại ở bản lĩnh, ý chí và sức sống vượt qua cái chết đến với hòa bình, thịnh vượng. Một dòng sông mang tầm vóc lịch sử Việt Nam, lịch sử nhân loại.
Dòng sông thống nhất. Dòng sông hạnh phúc…
3. Đến một lúc nào đó người ta sẽ hiểu ra sức mạnh của nước, của dòng chảy, suy rộng ra là sức mạnh của sự uyển chuyển, mềm mại. Có lần tôi mơ thấy mình đi theo một dòng chảy từ Bến Chương Dương (Hà Nội) qua Bạch Đằng Giang, vòng theo đường biển đến sông Gianh, rồi ngược dòng lên Trung Sơn, đến sông Sài Gòn, qua cửa Soài Rạp ra biển và tiếp tục theo biển trở lại Bạch Đằng, trở về Hà Nội.
Tôi hiểu vì sao đất nước Việt Nam lại có hình chữ S. Tôi hiểu vì sao dân tộc Việt Nam trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh hủy diệt vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Ở cửa Soài Rạp (nơi dòng Đồng Nai tiếp nhận dòng nước sông Sài Gòn), tôi nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận rõ ràng sắc diện tầm vóc của một vùng hào khí thống nhất: hào khí Bạch Đằng và hào khí Đồng Nai. Trời cao thăm thẳm. Nước sông mênh mông. Nhưng sức sống của cuộc sống vẫn cao hơn, vẫn rộng hơn.
Ở nơi cuối dòng sông này, tôi thấm thía hơn về cuộc sống con người. Không bao giờ có con đường thẳng tắp dẫn đến hạnh phúc. Cuộc đời người ta cũng như một dòng sông. Chẳng có một dòng sông nào thẳng tắp từ đầu tới cuối.
4. Những năm đầu giải phóng Sài Gòn, tôi thường lang thang trên bến Bạch Đằng mỗi khi nước lên và lặng lẽ ngồi dưới chân tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Đức Thánh Trần chỉ tay về phía sông Sài Gòn, gươm vẫn cài trong bao. Ở khúc sông này, dòng sông chịu sự chi phối của biển cả. Khi triều dâng, dòng chảy ngược về phía Bắc. Triều rút, dòng chảy theo hướng Nam. Dòng chảy đổi chiều hàng ngày. Theo lẽ tự nhiên, dòng chảy này đã hướng sự phát triển của thành phố ra biển.
Sông Sài Gòn xuất phát từ vùng thấp. Tốc độ dòng chảy ôn hòa và động lực của dòng chảy chủ yếu theo sức hút của biển cả. Động lực từ đích đến. Người ta thường nói: điểm xuất phát không quan trọng bằng tốc độ. Sông Sài Gòn hay còn gọi là sông Bến Nghé, sông Tân Bình, qua nhiều thế kỷ trầm lặng hoang vu nay trở thành một dòng sông nổi tiếng trên bản đồ thế giới. Thế giới biết đến sông Sài Gòn trong chiến tranh, càng gắn bó mật thiết với sông trong hòa bình. Cảng Sài Gòn, bến Nhà Rồng và hàng loạt những khu đô thị mới, khu công nghiệp mới… là những địa chỉ thân quen với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ. Mật độ dân số sinh sống bên sông Sài Gòn có thể thuộc diện cao nhất nước và khu vực. Người dân khắp mọi miền đất nước và rất nhiều người nước ngoài tìm đến dòng sông để sinh sống làm ăn.
Nhà cao tầng nối tiếp nhau. Đường đi nối tiếp đường đi. Cầu nối cầu san sát. Không còn những chia cắt. Tất cả đều gắn kết theo chiều hướng “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
5. Mọi dòng sông điều mang ý nghĩa phát triển. Với sông Sài Gòn, ý nghĩa ấy đặc biệt hơn, sâu sắc hơn vì sự phát triển bền vững. Rồi đến một lúc nào đó, người ta cảm nhận được câu nói “không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông” chỉ đúng theo nguyên lý thời gian. Dòng chảy thời gian không bao giờ trở lại. Thời gian vô tình nhưng lòng người có tình. Không phải tất cả những gì đã qua là mất hẳn. Cuộc đời con người suy cho tới cùng là một chuỗi thời gian xử lý các mối quan hệ hiện tại, quá khứ và tương lai.
Tôi có một ông bạn, một người thầy, người anh rất đáng kính, rất thân thiết. Ông gắn bó với chiến trường Đông Nam bộ, với sông Sài Gòn suốt hơn 10 năm. Một cán bộ có uy tín, một nhà báo sắc sảo toàn tâm toàn ý với công việc.
Ở những năm cuối đời, do bệnh khớp không thể đi lại như bình thường, ông thường nhờ tôi chở xe gắn máy ra bến Bạch Đằng để hóng gió, để khuây khỏa nỗi niềm. Lần nào cũng vậy, ông chỉ đăm đăm nhìn về phía thượng nguồn của dòng sông. Ông thở dài, nói nhỏ: “Tâm tư tôi đã trở về phía thượng nguồn rồi”.
Để gần hơn với thượng nguồn sông Sài Gòn, tôi đưa ông ra cầu Bình Triệu. Ông tĩnh lặng hàng giờ không nói gì, mải miết nhìn về phía Bắc. Phía thượng nguồn dòng sông. Tôi hứa với ông sẽ có dịp đưa ông về Bến Súc để gần với thượng nguồn hơn. Tiếc thay, ông ra đi đột ngột.
Nhiều năm trôi qua, mỗi lần nhớ tới ông, tôi đều trách mình sao không sớm thực hiện lời hứa. Từ trung tâm thành phố lên Bến Súc dài chừng 40km, có xa xôi, cách trở gì đâu…
Người ta sống không chỉ vì những cái đã có mà còn vì những cái chưa có. Ai đó đã nói mơ ước là cứu cánh của con người. Tôi có một người bạn trẻ, công việc bận rộn suốt ngày đêm nhưng những ngày cuối năm 2018 vẫn dành thời gian đưa tôi về vùng thượng nguồn sông Sài Gòn để tôi “tắm lần nữa” trên một dòng sông.
Có lẽ, không chỉ riêng tôi, nhiều người trong thế hệ sống qua chiến tranh đều có nhu cầu được tắm nhiều lần trong dòng sông Sài Gòn, dòng sông chảy theo hướng Bắc - Nam, từ thuở khai thiên lập địa, luôn hiền hòa, chỉ biết nuôi dưỡng sự sống, nuôi dưỡng hạnh phúc.