
Trong thời buổi game online, trò chơi điện tử phát triển ồ ạt như hiện nay với vô số những trò chơi bạo lực, kích động thì nhiều bậc cha mẹ đang cố tìm những sân chơi, điểm sinh hoạt văn hóa, nhất là sân khấu dành cho thiếu nhi để đưa các em đi xem, tránh tình trạng con cái suốt ngày “nhốt mình” với game online. Thế nhưng...
“Điểm sáng” IDECAF
Hiện nay, nhà thiếu nhi ở một số quận huyện của TPHCM đã và đang gầy dựng những đội kịch, rối dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, đa số những đội này chỉ mang tính phong trào, hoạt động tự phát và chủ yếu theo “mùa”. Các nhà thiếu nhi có được những đội kịch, rối mạnh chưa nhiều, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu giải trí ngày càng cao của các em thiếu nhi.

Diễn viên Mỹ Duyên (trái) và Đình Toàn trong “Aladin và... đủ thứ thần”, vở diễn gây “sốt vé”.
Ở quận 4 có Trung tâm kịch rối “Tuổi xanh”; Tân Bình có đội rối “One Two Three”; quận 7 có đội “Tò Tí Te”; huyện Nhà Bè có đội “Cá cơm con”; quận 11 có đội “Búp bê”; quận 1 có đội kịch “Tuổi Ngọc”, đội rối “Nụ cười”.... Đạo diễn Lê Cường, người gắn bó 19 năm với sân khấu “Tuổi Ngọc”, cho biết: “Hiện nay cái khó của những người làm sân khấu thiếu nhi là số tác giả viết kịch bản cho thiếu nhi còn quá ít. Đa phần kịch bản còn vay mượn từ truyện nước ngoài. Về lâu dài, chúng ta rất cần có những cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu dành cho thiếu nhi để phần nào hạn chế được tình trạng khan hiếm kịch bản như hiện nay…”.
Còn tác giả, đạo diễn trẻ Hoàng Duẩn, một trong số những người làm sân khấu thiếu nhi nhiều nhất hiện nay, cho rằng, bên cạnh sự phát triển tự phát, chúng ta chưa quan tâm đến việc thực hiện những vở kịch, chương trình thiếu nhi theo từng lứa tuổi. Trong khi đó, ở từng lứa tuổi, các em thiếu nhi có những nhận thức khác nhau…
Trong lúc kịch, rối ở các nhà thiếu nhi đang phát triển tự phát, chưa đáp ứng được nhu cầu của thiếu nhi, thì cơ hội lại chuyển qua các sân khấu chuyên nghiệp của thành phố. Đơn vị nghệ thuật nhảy vào khai thác mảnh đất khá màu mỡ này sớm nhất và thu được những thành công nhất định là Sân khấu IDECAF với chương trình ca múa nhạc kịch “Ngày xửa ngày xưa”.
Đến nay, IDECAF đã thực hiện được 10 chương trình, đặc biệt, hai chương trình “Ngày xửa ngày xưa” 9, 10 diễn ra trong năm 2005 còn tạo nên “cơn sốt vé”. “Ngày xửa ngày xưa 10”: Aladin và… đủ thứ thần diễn được 24 suất, phục vụ khoảng 24.000 lượt khán giả và còn có thể diễn tiếp nữa. Giám đốc Sân khấu IDECAF Huỳnh Anh Tuấn phấn khởi: “Chúng tôi rất mừng khi thực hiện chương trình thiếu nhi được nhiều khán giả ủng hộ như thế.
Tuy nhiên, trăn trở lớn của chúng tôi là mới chỉ đáp ứng phần nào khán giả thiếu nhi con nhà khá giả ở nội thành chứ những gì làm được chưa thể phục vụ được các em ở vùng ven, ngoại thành. IDECAF đang có sẵn 10 chương trình thiếu nhi và rất muốn đến những nơi này diễn miễn phí phục vụ các em thiếu nhi nghèo khó. Giá như chúng tôi được thành phố hỗ trợ kinh phí như một số đơn vị nghệ thuật nhà nước (mỗi suất diễn phục vụ 3 triệu đồng), chúng tôi sẵn sàng đưa những chương trình “Ngày xửa ngày xưa” đến với các em…”.
Xiếc, rối: Tiết mục cũ - cơ sở tạm bợ
Trong số các đơn vị nghệ thuật nhà nước đang hoạt động trên địa bàn thành phố hiện nay, Đoàn Rối, Đoàn Xiếc được xem là hai đơn vị có chương trình, tiết mục phù hợp phục vụ lứa tuổi thiếu nhi nhất. Thực tế hiện nay, hai đơn vị này chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các em thiếu nhi.

Các em thiếu nhi nô nức đến rạp Măng Non xem kịch rối.
Đoàn Rối TPHCM mỗi năm chỉ mới thực hiện được một số vở rối cạn mới, còn loại hình rối nước hầu như phải diễn lại những chương trình cũ. Theo NSƯT Đức Thế, Trưởng đoàn Rối TPHCM, thực hiện một vở rối nước chi phí rất cao (trên 100 triệu đồng), nhưng dàn dựng xong rồi có khi không thu hồi được vốn, trong khi đó kinh phí còn rất hạn chế. Cho nên, đoàn phải diễn lại những vở cũ đã diễn cách nay mấy năm rồi như “Truyền thuyết Nêaki”, “Thánh Gióng”… Mỗi năm Đoàn Rối chỉ thực hiện có một chương trình rối nước mới.
Thêm vào đó, “đại bản doanh” của Đoàn Rối TPHCM đang nằm ở một vị thế không mấy thuận lợi (rạp Măng Non số 193 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1). Một đơn vị nghệ thuật phục vụ thiếu nhi là chủ yếu nhưng lại có điểm diễn bất tiện, không có điểm giữ xe, không có khoảng sân để các em nghỉ chân trước khi vô rạp xem nghệ thuật. Cho nên, chẳng trách từ năm 2004 đến nay, ngày chủ nhật hàng tuần thay vì diễn 2 -3 suất như trước đây, thì nay đoàn chỉ diễn đúng 1 suất vào lúc 9 giờ.
Anh Đinh Văn Thiên, Phó Giám đốc Công ty Hoa Phượng Đỏ, đơn vị thường xuyên thực hiện hợp đồng với các trường mầm non trong thành phố, mỗi năm đã đưa khoảng 5.000 lượt thiếu nhi đi xem rối cho biết: “Nếu có được một điểm diễn rối tốt hơn, số ghế nhiều hơn, mỗi năm chúng tôi có thể đưa khoảng trên 20.000 lượt thiếu nhi đến xem. Có nghĩa là hiện nay, chúng ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 lượng thiếu nhi có nhu cầu xem rối”.
Ở Đoàn Xiếc TPHCM, mặc dù mấy năm gần đây, có nhiều cố gắng trong việc trẻ hóa đội ngũ diễn viên, chỉnh trang lại rạp bạt tại Công viên 23-9, chăm chút, dàn dựng một số tiết mục mới... Tuy nhiên, chỉ có thế vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để lôi kéo đông đảo các em thiếu nhi đến rạp, khi mà sự đầu tư kinh phí cho việc dàn dựng tiết mục mới còn quá hạn chế.
Nhạc sĩ Hồ Văn Thành, Giám đốc Đoàn Xiếc TPHCM, nói: “Hiện nay, việc đầu tư chưa tương xứng để có những tiết mục xiếc mới, hấp dẫn. Kinh phí được cấp chỉ đủ cho việc trả lương và một số chi phí khác. Năm 2005, đoàn được cấp 1,7 tỷ đồng thì trả lương cán bộ, công nhân viên, diễn viên hết 1,4 tỷ đồng, còn lại 300 triệu đồng phải trang trải một số chi phí khác như tiền điện, nước, điện thoại…
Nếu có kinh phí nhiều, chúng tôi sẽ thực hiện qui mô hơn, dàn dựng hoành tráng hơn”. Một điều đáng nói nữa là, từ nhiều năm nay, Đoàn Xiếc TPHCM chưa có được một cơ ngơi cố định để có thể an tâm tập luyện, diễn tốt. Hiện giờ, đoàn đang phải “tạm trú” tại Công viên 23-9 trong điều kiện tất cả cơ sở vật chất chỉ… tạm bợ. Chưa “an cư” sao có thể “lạc nghiệp”? Cho nên, với những điều kiện, sự đầu tư kinh phí còn hạn chế như thế thì việc Đoàn Xiếc TPHCM chưa có được nhiều tiết mục xiếc mới hấp dẫn thiếu nhi cũng là điều tất yếu!
Tương lai sẽ khởi sắc?
Thực tế hiện nay cho thấy, sân khấu thiếu nhi đang là mảnh đất màu mỡ chưa được đầu tư, khai thác nhiều. Vì vậy hai chương trình thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa” 9, 10 tạo nên “cơn sốt vé” tại TPHCM là điều hiển nhiên. Nắm bắt nhu cầu thực tế của thiếu nhi, năm nay, lần đầu tiên IDECAF sẽ thực hiện chương trình “Ngày xửa ngày xưa” có sự kết hợp giữa kịch và xiếc diễn ra đúng vào dịp Giáng sinh. Ngay khi chương trình chưa diễn ra nhưng đến nay số lượng vé của các suất hát đã bán gần hết.
Dịp Giáng sinh năm nay, lần đầu tiên sân khấu Phú Nhuận của “bà bầu” Hồng Vân sẽ trình làng chương trình sân khấu thiếu nhi “Xứ sở thần tiên”. Trong chương trình này, các diễn viên sẽ trình diễn các loại hình biểu diễn: rối, xiếc và kịch. NSƯT Hồng Vân cho biết: “Sau khi ra mắt các em vào 9 giờ chủ nhật hàng tuần, chúng tôi sẽ bắt tay vào thực hiện sân khấu thiếu nhi Tết “Sơn Tinh-Thủy Tinh”. Từ mùa hè năm 2006, Sân khấu Phú Nhuận sẽ kết hợp với Sân khấu Kịch Sài Gòn của “ông bầu” Phước Sang thực hiện những chương trình sân khấu thiếu nhi có sự đầu tư quy mô, hoành tráng hơn để đưa ra các điểm diễn lớn phục vụ rộng rãi thiếu nhi”.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những hoạt động của các đơn vị nghệ thuật sân khấu xã hội hóa, còn đơn vị sân khấu nhà nước thì sao? Nghệ sĩ Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM cho biết: “Chúng tôi đã có một đề án thực hiện chương trình sân khấu thiếu nhi. Nếu được sự tài trợ của quốc tế thì đề án này sẽ được thực hiện vào năm 2006 và không chỉ phục vụ thiếu nhi của TPHCM mà còn đáp ứng nhu cầu của thiếu nhi nhiều tỉnh, thành khác. Nhưng khi chưa được hỗ trợ, thì sang năm 2006, nhà hát vẫn sẽ tự thân vận động, thực hiện một số chương trình sân khấu phục vụ thiếu nhi…”.
Chỉ với những sự cố gắng riêng lẻ của các đơn vị nghệ thuật như hiện nay chưa đủ, mà với một thành phố lớn như TPHCM thì về lâu dài rất cần có sự hoạch định chiến lược, đầu tư phát triển sân khấu dành cho thiếu nhi. Việc đầu tư một rạp hát hiện đại, phục vụ cho thiếu nhi là một nhu cầu cấp thiết...
NHÓM PV VHVN