Gian nan tìm nơi điều trị
Thấy con trai 6 tháng tuổi ho, thở mệt, khò khè 3 ngày không dứt, chị Hoàng Thị Hoa Mai (35 tuổi, ở quận 8) đưa con đến BV Nhi đồng 1 để khám. Tại đây, bác sĩ chỉ định bệnh nhi nhập viện điều trị viêm phổi. Tuy nhiên, nhập viện được nửa ngày, chị Mai đã xin xuất viện.
“Phòng bệnh kín bệnh nhi, con tôi nằm hành lang nhưng phải nằm ghép với 2 bé khác”, chị Mai bức xúc và cho biết, gia đình đã đưa con đến BV Nhi đồng Thành phố.
Không riêng trường hợp chị Mai, nhiều phụ huynh có con nhỏ mắc bệnh hô hấp phải “chạy đôn chạy đáo” để tìm nơi điều trị do hầu hết BV nhi đồng đều quá tải.
“Xin điều trị ngoại trú thì sợ con chuyển nặng đột ngột, còn nhập viện thì quá đông đúc, ngột ngạt, không có giường để nằm. Chưa kể, nguy cơ lây nhiễm chéo một số bệnh khác”, anh Nguyễn Quang Hân (38 tuổi, ở Bình Dương) lo lắng.
Thực tế, những ngày qua, số lượng trẻ em mắc các bệnh lý đường hô hấp đổ về BV nhi tuyến cuối tăng vọt khiến các BV này rơi vào tình trạng quá tải.
Cụ thể, BV Nhi đồng Thành phố mỗi ngày trung bình tiếp nhận 2.000 bệnh nhi đến khám các bệnh lý đường hô hấp như: viêm hô hấp trên, viêm hô hấp dưới, viêm tiểu phế quản, cúm, nhiễm siêu vi đường hô hấp.... Số lượng trẻ nhập viện do bệnh hô hấp cũng tăng cao, chiếm khoảng 60% tổng số trẻ đang điều trị tại BV.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, cho biết, đầu tháng 10 đến nay, số trẻ mắc bệnh hô hấp tăng 50% so với những tháng trước. Với tình hình thời tiết như hiện nay, bác sĩ Nam dự báo trẻ mắc bệnh hô hấp sẽ tiếp tục gia tăng.
Tương tự, Khoa Hô hấp của BV Nhi đồng 1 cũng đông nghẹt bệnh nhi. Theo đơn vị này, số giường thực kê chỉ 110 giường nhưng có thời điểm khoa phải tiếp nhận 370 bệnh nhi nhập viện, đồng nghĩa với một giường có đến 3-4 bệnh nhi.
Còn tại BV Nhi đồng 2, cả 2 khoa hô hấp đều kín bệnh nhi. Từ ngày 17 đến 19-10, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận hơn 2.630 lượt khám bệnh hô hấp. So với số liệu của tháng 8 và tháng 9, lượt khám bệnh hô hấp tăng gần gấp đôi.
Cảnh giác với các triệu chứng nguy hiểm
Trước tình hình trẻ mắc bệnh hô hấp tăng cao, các BV đã lên phương án ứng phó để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhi và người nhà cũng như hạn chế ghép quá nhiều bệnh nhi trên một giường bệnh.
BV Nhi đồng 2 đã bố trí thêm bàn khám, tăng cường bác sĩ khoa nội trú ra khoa khám bệnh. BV còn đặt thêm bàn khám ngoài giờ, 2 bàn khám xuyên đêm và 4-5 bàn khám hoạt động lúc 17 giờ.
Tại BV Nhi đồng 1, TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, cho biết, BV đã đưa các bệnh nhi nhập viện không nhất thiết phải theo dõi chặt chẽ đến các khoa khác rộng rãi hơn, sức khỏe của trẻ liên tục được cập nhật với bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Nhờ sự điều phối này đã giúp giảm được gần một nửa số trẻ nằm điều trị tại khoa.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2, dự báo bệnh hô hấp sẽ gia tăng, vì vậy phụ huynh cần phòng ngừa bệnh hô hấp cho con em bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng. Cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý và đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, tránh bụi bẩn, khói thuốc. Phụ huynh cần cho trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm khi có các triệu chứng đường hô hấp như ho, sổ mũi, sốt… Đặc biệt, khi trẻ có một trong các triệu chứng nặng như sốt cao liên tục khó hạ, co giật, bỏ ăn bỏ bú, khó thở hoặc triệu chứng đường hô hấp nặng hơn (ho, khò khè…) cần đưa trẻ đến BV ngay.
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần nhớ dấu hiệu quan trọng của trẻ là thở co lõm lồng ngực. Lúc này, nguy cơ trẻ đã bị viêm phổi nặng, cần đưa vào BV cấp cứu. Ngoài ra, trẻ cũng cần đến BV nếu ho kéo dài trên 1 tuần, ho không giảm; ho ra máu; khạc đờm giống mủ, có mùi hôi, tanh, màu vàng. Khi trẻ sốt cao 39°C trở lên, kéo dài 2-3 ngày, sốt không hạ, phụ huynh phải đưa trẻ đến BV, vì trẻ có thể mắc bệnh lý khác như sốt xuất huyết rất nguy hiểm.
Bệnh hô hấp ở trẻ em diễn tiến nặng có thể nguy hiểm tính mạng |