Quận 8 đã hỗ trợ trường hợp người dân kêu cứu tại phường 7

Ngày 27-7, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8 Trần Thanh Hà cho biết, trường hợp người dân kêu cứu tại khu phố 6, phường 7, địa phương đã có sự hỗ trợ lương thực thực phẩm,  chi phí mai táng (10 triệu đồng) và quận sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 10 triệu đồng.

 Trước đó, trưa 26-7, Đảng ủy phường 7 quận 8 nhận được thông tin thông tin phản ánh với nội dung như sau:

“Cầu cứu! Khẩn cấp!!!!!!

Đây là thông tin người thân đang khẩn thiết tìm sự giúp đỡ. Tôi tên là: Lê Văn Kiệt (hộ khẩu tại Sóc Trăng).

Nơi tôi sống hiện nay là Rạch Lồng Đèn, phường 7, quận 8, TPHCM. Số điện thoại 0363766164. Tôi là dân lao động nghèo lên TPHCM làm việc, do dịch nên đã phải nghỉ làm hơn 1 tháng, cuộc sống vô cùng khó khăn; do khu ở của tôi xa xôi nên ít nhận được cứu trợ.

Thời gian nghỉ dịch tôi sống cùng vợ và cháu ngoại. Vợ tôi mới mất sáng hôm qua, không rõ lý do (không có bệnh nền - nghi nhiễm Covid-19 vì cả gia đình khoảng 10 ngày trước có tiếp xúc F0 cùng sốt và ho khó thở).

Tôi có nhờ chính quyền và y tế địa phương lại hỗ trợ nhưng không ai hỗ trợ, tôi chạy đi khắp nơi cuối cùng chiều mới liên hệ được đội mai táng thuê họ thiêu.

Tiền thiêu cũng nhờ bà con trong khu nhà trọ đóng góp một phần. Hiện nay khu của tôi ở bị phong tỏa. Xin về quê không được, xin được xét nghiệm  cũng không được. Khu tôi ở cứ vài ngày lại có người chết và chỉ liên hệ được đội mai táng đem đi xử lý chứ không nhận được sự hỗ trợ nào.

Bản thân tôi cũng như bà con ở đây hiện nay sống cầm chừng, tuyệt vọng, ngày nào hay ngày nấy. Tôi sợ rủi đến ngày nào đó tôi có bề gì thì cháu tôi không biết sẽ ra sao?

TÔI KHẨN CẦU CƠ QUAN CHỨC NĂNG, NHỮNG NHÀ HẢO TÂM, CÓ ĐỌC ĐƯỢC LỜI CẦU CỨU CỦA TÔI THÌ ĐẾN GIÚP, TÔI ĐANG BỊ KẸT Ở ĐÂY KHÔNG LÀM GÌ ĐƯỢC, TIỀN MUA LƯƠNG THỰC CŨNG SẮP HẾT.

MONG ĐƯỢC GIÚP KHẨN CẤP QUA SỐ ĐT: 0363766164 KIỆT.”

Ngay sau khi nhận được thông tin, Đảng ủy phường đã chuyển nội dung thông tin phản ánh yêu cầu UBND phường, Ủy ban MTTQ phường 7 nhanh chóng nắm bắt kiểm tra thông tin và có báo cáo cụ thể.

Qua liên hệ trao đổi nắm thông tin với ông Lê Văn Kiệt, được biết ông không phản ánh sự việc mà là người dân nào đó đã lên tiếng kêu cứu khi biết hoàn cảnh của ông.

Ông Lê Văn Kiệt cho hay, ông ở quê ở tỉnh Sóc Trăng, lên TPHCM làm thuê và  đang ở tạm trú tại nhà trọ không số Rạch Lồng Đèn phường 7, quận 8 (thuộc Tổ 72, khu phố 6, phường 7). Ông Kiệt sống cùng vợ và cháu ngoại 9 tuổi. Ngày 23-7, vợ ông Kiệt là bà Nguyễn Thị Thủy (53 tuổi), đã mất tại nhà, nguyên nhân chết là đột quỵ.

Ngay khi đó, gia đình ông Kiệt đã được phường, khu phố hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục báo tử và người dân xung quanh hỗ trợ chi phí đưa đi mai táng. Địa phương chăm lo hỗ trợ (gạo, mì, rau củ,...) cho gia đình ông Kiệt. Ngoài thực phẩm thiết yếu, địa phương đã hỗ trợ gia đình ông Kiệt 10 triệu đồng.

Hiện nay, sức khỏe 2 ông cháu bình thường. Hiện nay, hoàn cảnh gia đình của ông Kiệt thật sự khó khăn. Ông Kiệt cũng có nguyện vọng hỗ trợ đưa về quê Sóc Trăng sinh sống trong thời gian thành phố giãn cách, không có việc làm.

Bà Trần Thanh Hà cho biết, quận sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình ông Kiệt thêm 10 triệu đồng.

Quận 8 đã hỗ trợ trường hợp người dân kêu cứu tại phường 7 ảnh 1 Các phần lương thực thực phẩm được gửi tới hỗ trợ người dân tại khu phố 6, phường 7, quận 8 - nơi ông Lê Văn Kiệt ở trọ
Quận 8 đã hỗ trợ trường hợp người dân kêu cứu tại phường 7 ảnh 2
Số hộ dân ở khu vực này rất đông - với 2.000 hộ, nên cần sự hỗ trợ rất lớn 

Về việc hỗ trợ người dân trong khu vực nơi ông Kiệt sinh sống, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8 cho biết, khu vực này có trên 2.000 hộ, trong đó có nhiều hộ sinh sống trong những căn nhà trọ tự phát và mưu sinh bằng làm thuê tại chợ đầu mối Bình Điền. Sau khi chợ Bình Điền đóng cửa, nhiều hộ dân không còn việc làm.

Khu vực này vừa trải qua 2 tuần phong tỏa và tiếp tục phong tỏa thêm 2 tuần. Để hỗ trợ các hộ dân, quận đã tạo nguồn quỹ hỗ trợ các trường hợp khó khăn từ 5-10 triệu đồng/trường hợp, tùy hoàn cảnh. Đồng thời, tổ chức cung cấp lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, số hộ dân rất đông – hơn 2.000 hộ, và nằm ở khu vực xa xôi, nên việc nhận hàng hóa cũng hạn chế. ”Không phải ngày nào cũng có đủ 2.000 phần cho các hộ, mà mỗi đợt có khoảng 500- 700 phần, nên mọi người cùng luân phiên nhận. Đời sống nhiều người dân còn khó khăn lắm”, bà Trần Thanh Hà nói.

Tin cùng chuyên mục