Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Nhức nhối nông sản “bẩn”

Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Nhức nhối nông sản “bẩn”
  • Hơn 80% rau ngót không an toàn

Sáng 8-7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chủ trì cuộc họp tổng kết công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm 6 tháng đầu năm 2013. Hàng loạt vấn đề nóng liên quan đến thực phẩm “bẩn”, gian lận trong kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… đã được nêu ra để thực hiện các giải pháp ngăn chặn.

Khoai tây hồng của Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lào Cai bị phát hiện nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu vượt 16 lần mức cho phép.

Khoai tây hồng của Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lào Cai bị phát hiện nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu vượt 16 lần mức cho phép.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng như lãnh đạo các cục chức năng cùng khẳng định, cho đến nay, sau nhiều tháng triển khai, an toàn vệ sinh thực phẩm đã có chuyển biến rõ. Việc phát hiện ra các sản phẩm không đảm bảo chỉ tiêu an toàn như khoai tây Trung Quốc ở Đà Lạt, cá tầm lậu, heo bơm nước, thủy sản có nhiễm dư lượng kháng sinh, rau xanh và trái cây chứa kim loại nặng vượt mức cho phép… thể hiện năng lực cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ quan kiểm nghiệm ngày càng được tăng cường hơn. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận, tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại nông sản “bẩn” vẫn còn nhức nhối trên thị trường, người tiêu dùng vẫn chưa khỏi bất an về các mối nguy từ thực phẩm.

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, vừa qua Cục Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu kiểm tra an toàn đối với 2 loại mướp đắng (khổ qua), rau ngót tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội và TPHCM. Đây là những loại rau trái có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm tra cho thấy, rau ngót có 7/25 mẫu phát hiện mức dư lượng vượt tối đa cho phép, 15 mẫu phát hiện có thuốc nhưng vẫn dưới mức cho phép và chỉ có 3 mẫu không phát hiện dư lượng thuốc. Về mướp đắng, có 2/25 mẫu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép, 23 mẫu an toàn.

Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng, đến nay qua chương trình khảo sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên rau quả nông sản ở Việt Nam, đã xác định được có tới 20 hoạt chất bảo vệ thực vật có nguy cơ sử dụng nhiều, trong đó 5 loại (4 loại thuốc trừ sâu và 1 trừ nấm) có nguy cơ rất cao. “Trong các loại trái cây, nho là mặt hàng có nguy cơ cao nhất”- ông Nguyễn Xuân Hồng nói. Và không riêng trái cây, các sản phẩm xuất khẩu như chè không đảm bảo quy trình sản xuất an toàn cũng là đối tượng đang bị các nước cảnh báo. Mới đây, EU đã thông báo trả về các lô chè nhiễm 2 hoạt chất cấm.

Còn theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2013, các đơn vị đã tổ chức kiểm tra gần 7.000 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Trong đó, phát hiện 1.126 cơ sở vi phạm. Đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, vẫn có tới 64,9% bị xếp loại C (kém nhất).

Bộ trưởng Cao Đức Phát cảnh báo cơ quan chức năng không được chủ quan với thực phẩm “bẩn” vì các mẫu xét nghiệm chỉ có giới hạn nhất định, chưa phản ánh đủ bức tranh an toàn thực phẩm hiện nay. Vừa qua đối với mặt hàng khoai tây, mặc dù ở cửa khẩu đã triển khai kiểm tra rất chặt nhưng khi vào thị trường nội địa, cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép tới 16 lần. Như vậy, rõ ràng phải kiểm soát theo chuỗi từ biên giới về tận thị trường nội địa, đến tận chợ, bàn ăn…

Trước mắt, ngay trong tháng 7-2013, Cục Bảo vệ thực vật phải có trách nhiệm làm rõ vì sao các sản phẩm rau ăn lá, như rau ngót và chè lại chứa nhiều chất bảo vệ thực vật, đồng thời cùng Cục Trồng trọt đưa ra giải pháp hướng dẫn bà con nông dân về quy trình trồng rau sạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Và ngay cả đối với các sản phẩm như thịt heo, mặc dù hơn một năm qua không còn phát hiện có chất cấm tăng trọng nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo Cục Chăn nuôi phải liên tục theo dõi, kiểm tra các mẫu thịt và thức ăn chăn nuôi để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục