Quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Đến tỉnh Tây Ninh hôm nay, ngoài hai địa điểm Núi Bà Đen và Tòa thánh Tây Ninh quen thuộc, Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên) đang là tuyến du ngoạn hấp dẫn của du khách bởi sự đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, nơi đây đang bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng dày bán ẩm.

Có được kết quả đó là nhờ Ban Quản lý VQG Lò Gò – Xa Mát luôn chú trọng công tác bảo vệ rừng, nghiên cứu khoa học, truyền thông và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái...

Tăng cường quản lý bảo vệ rừng

Du khách về nguồn kết hợp du lịch sinh thái

Du khách về nguồn kết hợp du lịch sinh thái

Từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra truy quét trên địa bàn VQG, tập trung khu vực vành đai biên giới, tuyến đường sông Vàm Cỏ Đông. Đơn vị đã tổ chức ra quân 2.515 đợt tuần tra, đã phát hiện 13 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, đã lập biên bản, chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, đã phát hiện và tháo gỡ 2.972 cần bẫy các loại. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, đơn vị tiếp tục triển khai sử dụng phần mềm giám sát tuần tra rừng (Locus Map), triển khai lắp đặt thiết bị công nghệ cao trong rừng để truyền dữ liệu báo động, giám sát các đối tượng trong rừng, gồm: bẫy ảnh, thiết bị báo động tích hợp camera bí mật sử dụng sóng điện thoại, sóng radio LORA.

Trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), đơn vị đã hoàn thành đường băng cản lửa, đốt chủ động, xử lý thực bì chống cháy. Phân công lực lượng trực 24/24 giờ, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCCCR trong cán bộ, viên chức và người dân các xã vùng đệm, chú trọng công tác tập huấn, diễn tập tình huống chữa cháy cụ thể, xây dựng kế hoạch phối hợp PCCCR với các đơn vị trú đóng trên địa bàn.

Tăng cường đầu tư mới, duy tu, sửa chữa các trang thiết bị PCCCR sẵn sàng ứng phó khi xuất hiện cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Do đó, trong 9 tháng năm 2023, trên lâm phần do VQG quản lý chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng nhỏ, mức độ thiệt hại không đáng kể.

Sếu đầu đỏ thường xuyên về kiếm ăn và trú ngụ ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Sếu đầu đỏ thường xuyên về kiếm ăn và trú ngụ ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Về thực hiện các chỉ tiêu lâm sinh, bảo vệ rừng tự nhiên: 23.742,96ha/23.742,96 ha, đạt 100% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh: 39,28ha/39,28ha, đạt 100% kế hoạch; bảo vệ trảng cỏ, đất ngập nước: 324ha/324ha, đạt 100% kế hoạch; phòng chống cháy rừng trồng: 3.903,0ha/3.903,0ha, đạt 100% kế hoạch; chăm sóc rừng trồng: ước thực hiện 34,6ha/ 34,6ha, đạt 100% kế hoạch; trồng rừng: thực hiện 10,8 ha/20,8ha, đạt 52% kế hoạch.

Ngoài ra, VQG đã lập kế hoạch chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023; xây dựng và trình phê duyệt dự án Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2023-2025 với các hạng mục chính gồm tổng hợp diện tích rừng trồng vốn tự có, trình xin chủ trương UBND tỉnh đưa vào khai thác và trồng lại rừng theo đúng quy hoạch; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thực địa, lập báo cáo hiện trạng rừng và đa dạng sinh học khu vực quy hoạch cửa khẩu Tân Nam; hoàn chỉnh báo cáo về việc chấp hành quy định pháp luật về trồng rừng đặc dụng tại VQG.

Điểm đến du lịch sinh thái, giáo dục môi trường

Theo ông Châu Văn Văn, Giám đốc Ban quản lý VQG Lò Gò - Xa Mát, thời gian qua, VQG đã phối hợp với Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP Cần Thơ thực hiện đề tài: Bảo tồn và phát triển cây Nhân trần tía tại Vườn. Đề tài Bảo tồn và phát triển cây Tràm gió, đã trình Sở KH-CN thẩm định đề cương và dự toán để triển khai thực hiện.

Nhằm tăng cường phát triển du lịch sinh thái, VQG đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí và dự án đầu tư phát triển vùng đệm VQG Lò Gò - Xa Mát giai đoạn đến năm 2030, Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 895/QĐ-UBND ngày 13-4-2023. Tính đến 15-10, đơn vị đã đón tiếp 6.008 lượt du khách đến tham quan, đạt 75,1% so với kế hoạch năm (kế hoạch năm 2023 là 8.000 lượt); doanh thu đạt được 992.809.496 đồng, đạt 82,7% so với kế hoạch năm.

Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, chung tay bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, trong 9 tháng đầu năm, VQG đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục môi trường như: tổ chức thành công Lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22-5) và Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm 2023 với sự tham dự của hơn 250 người.

Trải nghiệm khám phá rừng nguyên sinh

Trải nghiệm khám phá rừng nguyên sinh

VQG thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường cho các em học sinh vùng đệm nhằm nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học ngoài thực địa tại VQG gia cho 980 lượt học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh (14 lớp); đến nay đã tổ chức được 8 lớp/560 lượt học sinh tham gia chương trình. Tổ chức 1 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ môi trường và cập nhật văn bản pháp luật về bảo vệ tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học với sự tham gia của 80 học viên là cán bộ, viên chức các xã vùng đệm.

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện chương trình “Du lịch và ẩm thực”; thực hiện phim phim ký sự “Xuôi dòng Vàm Cỏ Đông” nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch đến với VQG và tỉnh Tây Ninh.

Trong 9 tháng đầu năm, VQG Lò Gò - Xa Mát đã tiếp nhận 106 cá thể các loại gồm: kỳ đà vân, trăn đất, chim công ấn độ, tê tê java, gà rừng, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, cày vòi hương, rắn ráo trâu, rắn hổ ngựa, cu ngói, cu cườm, sóc bay côn đảo, rùa hộp lưng đen, rùa răng, rùa đất lớn, bồ câu vằn, rắn hổ chúa, gà lôi trắng để thả về môi trường tự nhiên.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 91/2002/QĐ-TTg ngày 12-7-2002 chính thức chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Lò Gò - Xa Mát thành VQG Lò Gò - Xa Mát với tổng diện tích 30.023ha, trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 10.615,16ha, phân khu phục hồi sinh thái: 19.277,51ha, phân khu dịch vụ hành chính 130,46ha. VQG Lò Gò - Xa Mát cách TP Tây Ninh 30km, TPHCM 125km, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) 100km, sát biên giới Campuchia.

Tin cùng chuyên mục