Quán nhậu trong... miếu

Hơn 15 năm trước, miếu Bà Kim Ngọc Thành (số 88 đường Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) bị xuống cấp nghiêm trọng. Ban quản trị đã cho thuê mặt tiền của miếu để lấy kinh phí tu sửa, chỉnh trang. Thế nhưng, người thuê mặt bằng đã biến chốn linh thiêng thành... quán nhậu đến giờ.

Cho thuê để có tiền hương khói

Theo hồ sơ lưu trữ và xác minh của cơ quan chức năng, miếu Bà Kim Ngọc Thành (gọi tắt là miếu Bà) được tạo lập từ năm 1937 và được cộng đồng cư dân thờ tự từ đó đến nay.

$4a.jpg
Mặt tiền miếu Bà bị chiếm dụng thành quán ăn nhậu, hát hò...

Ông Nguyễn Hiền Lương, Trưởng Ban Quản trị miếu Bà, cho biết: “Năm 2001, chúng tôi không còn kinh phí để duy trì hoạt động, ban quản trị lâm thời lúc ấy đã cho bà Phạm Thị Lê Dung, cư ngụ gần miếu thuê phần mặt tiền của miếu. Hợp đồng thuê đến hết năm 2008. Số tiền thuê hàng tháng là 3 triệu đồng. Đây là kinh phí dùng cho việc hương khói, để duy trì hoạt động tổ chức vía Bà hàng tháng, hàng năm. Năm 2008, miếu Bà bị xuống cấp nghiêm trọng, ban trị sự đã chấp thuận cho bà Dung trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang lại miếu Bà. Các hạng mục gồm: thay mái tôn bằng đúc bê tông mặt tiền, phần trệt nhà kho, lợp lại toàn bộ mái để thống nhất cảnh quan, kết hợp với các chi tiết hoa văn để phù hợp với kiến trúc của miếu. Để thu hồi kinh phí cho việc trùng tu, bà Dung xin ban quản trị được tiếp tục sử dụng mặt bằng đến hết năm 2016 và tiền thuê mặt bằng vẫn giữ nguyên như trước”.

Theo hợp đồng thì bà Dung được sử dụng phần diện tích 64m2, nhưng thời điểm sửa sang, cải tạo mặt bằng thành điểm kinh doanh, ăn uống, bà Dung đã chiếm dụng luôn khu vực phía sau thành nơi cư ngụ của gia đình.

Thời điểm hiện tại, mặt tiền miếu Bà vẫn còn là cơ sở kinh doanh ăn uống, hát hò ầm ĩ từ đêm đến rạng sáng. Lối vào miếu Bà bị thu hẹp, chỉ còn là một lối nhỏ khoảng 2m. Nơi thờ phụng thì đang tọa lạc ở tầng trên…

Cần xử lý rốt ráo

Năm 2015, miếu Bà được UBND quận 1 cấp quyền sử dụng đất. Năm 2016, đã hết hạn hợp đồng, nhưng bà Dung vẫn lần lữa chưa chịu hoàn trả mặt bằng. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức họp hòa giải nhưng bất thành. Ban quản trị miếu Bà đã khởi kiện đến TAND quận 1. Tháng 6-2018, TAND quận 1 mở phiên tòa sơ thẩm dân sự “về việc tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng”.

Theo hội đồng xét xử, hợp đồng cho thuê mặt bằng giữa các bên tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự. Nhưng, thực chất đây là việc cho thuê quyền sử dụng đất. Điều 181 Luật Đất đai năm 2003 quy định: cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng, cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Thẩm phán Nguyễn Hải Nam, chủ tọa phiên tòa đã tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bà Dung trả lại mặt bằng, tuy nhiên sau đó bà Dung kháng cáo.

Đầu tháng 12-2018, TAND TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm “tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng”. Hội đồng xét xử đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND quận 1, giao hồ sơ cho TAND cấp sơ thẩm xét xử lại theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, trong quá trình thuê mặt bằng, tháng 11-2016, bà Dung ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Hue Plus về việc cùng sử dụng mặt bằng số 88 đường Lê Thị Riêng, thời gian đến hết tháng 11-2021. Việc này không được sự đồng ý của Ban Quản trị miếu Bà và phát sinh tranh chấp.

Phiên xét xử sơ thẩm, bà Dung không cung cấp cho tòa án hợp đồng nói trên, do vậy phiên tòa sơ thẩm không biết và không triệu tập đại diện Công ty cổ phần Hue Plus. Để đảm bảo quyền lợi của các đương sự trong vụ án, tòa án chấp nhận kháng cáo của bà Dung.

Hơn 5 năm qua, vụ án vẫn chưa xét xử lại. Trong diễn biến nói trên, tình hình an ninh trật tự tại khu vực trên khá phức tạp. Người dân đã nhiều lần gửi đơn phản ánh thực trạng ca hát ồn ào ban đêm, đánh nhau… gây bất an cho khu phố.

Người dân sinh sống ở khu vực miếu Bà đang sống trong thấp thỏm, lo âu, bởi cứ sau khi người dân có đơn tố cáo gửi công an, chính quyền các cấp… thì bị một số kẻ lạ mặt tạt mắm tôm, sơn nước vào cửa nhà. Một vấn đề đặt ra là không hiểu vì sao, cơ quan chức năng lại dễ dàng cấp phép kinh doanh cà phê, bia, rượu và cả nhạc sàn, DJ… cho một hộ kinh doanh trên phần đất tín ngưỡng.

Tin cùng chuyên mục