Quan tâm nhiều hơn đến nữ hộ sinh thôn bản

Quan tâm nhiều hơn đến nữ hộ sinh thôn bản

Cứ nghĩ đến hình ảnh một sản phụ tự sinh con và tự cắt rốn cho con bằng thanh tre vạt mỏng dễ gây nhiễm trùng rốn hoặc nghĩ đến việc một sản phụ muốn đi khám thai phải mất hai ngày băng rừng, người ta mới thấy hết vai trò của các nữ hộ sinh người dân tộc thiểu số tại các thôn bản. Chính vì vai trò quan trọng như vậy nên việc quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần và cả phương tiện làm việc đối với họ là hết sức cần thiết.

Quan tâm nhiều hơn đến nữ hộ sinh thôn bản ảnh 1

Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tặng quà cho các nữ hộ sinh thôn bản. Ảnh: T.TH.

Mong ước của nhiều nữ hộ sinh dân tộc ít người là được trang bị dụng cụ đỡ đẻ đầy đủ hơn, hoặc nếu có thể, được trang bị phương tiện đi lại để đỡ vất vả lội bộ đường xa đi khám thai cho sản phụ. Y Rêm, học viên khóa 1 của chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản, hiện là nữ hộ sinh thuộc xã Dak Nhau huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho biết, từ lúc ra trường (năm 1999) đến nay, cô đã trực tiếp đỡ đẻ 210 ca, chuyển lên tuyến trên 43 ca sinh khó.

Trong đó có một ca không thể quên là trường hợp chuyển dạ của một sản phụ với chiều cao chỉ khoảng 1,3m nhưng bụng rất to và mỗi lần lên cơn đau lại lăn lộn và ngất đi. Y Rêm phải mượn xe máy, mượn tiền đổ xăng để đưa sản phụ lên bệnh viện huyện sinh. Cuối cùng cũng mẹ tròn con vuông với đứa trẻ sơ sinh hơn 3kg.

Điểu Thị Nơ cũng là nữ hộ sinh cùng xã cho biết, bộ dụng cụ đỡ đẻ chỉ có hai đôi găng tay, một để đỡ đẻ, một để làm vệ sinh rốn cho em bé sau khi sinh, còn những lần khám thai mỗi lần một đôi chị em phải tự mua. Một đôi găng chỉ có 5.000 đồng vậy mà có khi chị em cũng không có tiền mua.

Mức trợ cấp 100.000 đồng một tháng và thù lao đỡ đẻ 25.000 đồng một ca đối với một nữ hộ sinh thôn bản nghèo có khi chỉ đủ để mua găng tay. Khó khăn là vậy nhưng chưa có chị em nào bỏ nghề. Niềm vui khi vận động được một sản phụ bỏ được các hủ tục lạc hậu trong sinh đẻ, niềm vui khi tự tay mình đón 1 đứa trẻ sơ sinh ra đời làm các cô không thể bỏ nghề. Nhiều khi đang làm ngoài rẫy, nghe tin có sản phụ trở dạ, chị em quăng ngay cuốc, rựa, vội vã làm vệ sinh và lao ngay đến nhà sản phụ.

Tại hội nghị sơ kết 10 năm đào tạo nữ hộ sinh thôn bản, nhiều người đã xúc động khi nghe bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, người khai sinh chương trình cô đỡ thôn bản, kể về ca đỡ đẻ điển hình của nữ hộ sinh Ninh Thị Thim ở xã Đăng Hà huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Chị Thim đã đỡ thành công một ca đẻ ngược ngay giữa rừng trên đường chuyển lên tuyến trên (Báo SGGP ngày 22-12-2005). Đây là một trong nhiều ca đỡ đẻ phức tạp và cực kỳ khó khăn trong điều kiện còn thiếu thốn của các cô đỡ ở các thôn bản xa xôi.

Được nghe những mẩu chuyện sinh động về các ca đỡ đẻ khó của các cô đỡ thôn bản, nhiều đại biểu xúc động, cảm phục trước tấm lòng và sự tận tụy của chị em. Nhiều người bày tỏ mong muốn chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản -một chương trình đầy tính nhân đạo và thiết thực được mở rộng ra cả nước và mong rằng ngành y cũng như xã hội quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ cô đỡ thôn bản, tạo điều kiện để các cô hoạt động tốt hơn. 

NGỌC YẾN

Tin cùng chuyên mục