Quan tâm phát triển công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho đường sắt đô thị

Ngày 19-1, hội thảo khoa học “Phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội và TPHCM” đã làm việc phiên cuối cùng, với chuyên đề “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án ĐSĐT”.

Các ý kiến tại hội thảo đã đề xuất nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho phát triển cơ sở công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ cho đường sắt; cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nhà thầu nước ngoài.

Theo số liệu các dự án ĐSĐT đã đầu tư xây dựng và đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cho thấy, chỉ riêng tại Hà Nội, nhu cầu trong giai đoạn đầu khai thác cần khoảng 1.500-1.650 toa xe, giai đoạn mãn tải khoảng 2.000 toa xe, chưa tính đến việc rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải thủ đô. Về nhu cầu nhân sự phục vụ ĐSĐT, chỉ riêng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đang vận hành đã cần 780 người/14km; tuyến Nhổn - ga Hà Nội sắp vận hành cần 626 người/12,5km.

Dự báo, nhu cầu nhân sự đáp ứng hệ thống ĐSĐT theo quy hoạch TP Hà Nội sẽ có 10 tuyến, TPHCM có 9 tuyến là rất lớn. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm việc hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực phát triển công nghiệp đường sắt; xây dựng chiến lược về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực ĐSĐT. Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất thống nhất mô hình tổ chức chung cho các tuyến ĐSĐT để tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá cao chất lượng của các ý kiến đóng góp tại hội thảo và khẳng định, TP Hà Nội và TPHCM sẽ tiếp thu, tiếp tục giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo làm cơ sở cho việc bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, thể chế chính sách hiện hành liên quan trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển hệ thống ĐSĐT.

Tin cùng chuyên mục