Quảng Bình: 2 hộ dân Mã Liềng viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo

Ngày 23-2, UBND xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, 2 hộ dân người Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt) sống ở bản Cà Xen vừa viết đơn xin thoát nghèo, nhường lại sự hỗ trợ hộ nghèo cho hộ khó khăn hơn trong bản. 

Theo đó, gia đình ông Hồ Bợt và ông Hồ Chí Thành đã cùng đồng tâm viết đơn xin thoát nghèo để tự lực làm ăn, không dựa dẫm vào hỗ trợ hộ nghèo.

1000026668-9724.jpg
Lúa nước giúp người Mã Liềng bản Cà Xen lúc giáp hạt

Ông Hồ Bợt (55 tuổi, người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt, sống ở bản Cà Xen, xã Thanh Hóa) cho biết, bản thân viết đơn thoát nghèo là không muốn ỷ lại, trông chờ vào nhà nước trợ cấp. Ông Bợt dẫn chứng gia đình có 5 sào ruộng, lao động bình thường. Ngoài ra, mỗi ngày, ông vào rừng lấy song mây, mật ong, măng rừng về bán cũng có thu nhập khá nên viết đơn để vươn lên hơn nữa. Gia đình ông Hồ Bợt hiện còn 2 vợ chồng, các con đã lập gia đình và làm ăn xa địa phương, tự lập.

1000026667-2503.jpg
Hiện nay, nhiều hộ dân Mã Liềng biết chăn nuôi phát triển sinh kế

Với ông Hồ Chí Thành, cùng bản Cà Xen, là Bí thư Chi bộ bản, vốn hộ nghèo nhưng biết làm ăn nên ổn định hơn các hộ khác trong bản. Cũng là lãnh đạo chi bộ nên ông Thành gương mẫu viết đơn thoát nghèo.

Theo UBND xã Thanh Hóa, ông Thành có 8 sào ruộng, 4ha rừng keo và nuôi 8 con trâu, 4 con bò, kinh tế gia đình ngày ổn định.

1000026666-6749.jpg
Một góc bản Cà Xen

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết, ông Hồ Bợt và Hồ Chí Thành có ý chí vươn lên thoát nghèo, chủ động lao động sản xuất, con cái học hành cơ bản. Việc làm này của 2 hộ này rất đáng hoan nghênh, là tấm gương để các hộ dân trong bản noi theo.

Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, hiện tỷ lệ hộ nghèo của bản Cà Xen là 92,98%. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng bà con đã từng bước nâng cao ý thức để vươn lên trong đời sống.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống đập, kênh mương thủy lợi, đường giao thông… được quan tâm đầu tư đã từng bước làm thay đổi diện mạo bản Cà Xen và đời sống đồng bào nơi đây.

Tin cùng chuyên mục