Quảng Nam bùng phát xây dựng trái phép

Mới đây, dư luận xôn xao về việc một khu nghỉ dưỡng sinh thái được xây dựng trái phép trên diện tích gần 3ha trong khu vực rừng phòng hộ thuộc thôn Trà Lý, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cùng với hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trước đó, vấn đề quản lý trong xây dựng đã đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

Buông lỏng quản lý

Theo người dân xã Duy Sơn, khu nghỉ dưỡng sinh thái bắt đầu xây dựng từ tháng 11-2018, đến khi sự việc được báo chí phát hiện (đầu tháng 3-2019) thì nhiều hạng mục như nhà gỗ, lối đi, trụ bê tông dưới lòng hồ sen… đã cơ bản hoàn thành.

Điều đáng nói là sau khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và vận động tự nguyện tháo dỡ các hạng mục xây dựng trái phép nhưng phải một thời gian sau việc tháo dỡ mới được thực hiện theo yêu cầu của chính quyền. 

Ông Trần Văn Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Duy Sơn thừa nhận, sự việc có liên quan tới ông Ngô Phi Nhị, Bí thư Đoàn xã Duy Sơn. Cụ thể, diện tích đất bị chiếm dụng xây dựng khu nghỉ dưỡng do ông Ngô Phi Nhị đứng tên. Gần 2 năm nay ông Nhị đã dựng lều, trồng lúa và hoa màu ở đây.

Vào tháng 11-2018, ông Nhị và nhà thiết kế Đ.V.T. (trú tại TPHCM) xin cải tạo để trồng trọt thêm một số loại cây khác. Tuy nhiên, sau đó lại tự ý đưa máy móc, nhân lực vào thi công một số hạng mục không được cấp phép xây dựng.

“Hiện tại, việc tháo dỡ đang được khẩn trương thực hiện. Đảng ủy xã cũng đã kiểm điểm, nhắc nhở đối với ông Nhị. Đồng thời cũng đã báo cáo sự việc lên cấp trên và đang chờ kết quả điều tra để đưa ra mức độ kỷ luật đối với Bí thư Đoàn xã Ngô Phi Nhị” ông Đồng cho biết.

Quảng Nam bùng phát xây dựng trái phép ảnh 1 Khu nghỉ dưỡng trái phép tại xã Duy Sơn (Duy Xuyên) đang được tháo dỡ
Câu chuyện tại xã Duy Sơn chỉ là một trong số nhiều vụ việc người dân xây dựng công trình trái phép ở Quảng Nam thời gian qua.
Mới đây, tại xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành hàng trăm ngôi nhà tạm đã được người dân lén lút xây dựng suốt ngày đêm nhằm trục lợi tiền đền bù sau khi nghe thông tin UBND tỉnh Quảng Nam chủ trương cho phép Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) nghiên cứu các dự án đầu tư tại Khu Kinh tế mở Chu Lai.
Tuy vậy, việc xử lý cũng rất khó khăn do hầu hết công trình được xây dựng trên đất trồng cây lâu năm. Ông Nguyễn Xướng, Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam nói: “Xây tường rào trên đất rừng thì xử lý được, còn xây trên đất trồng cây lâu năm thì “bó tay” vì không có luật nào quy định xử lý việc này”.

Đặc biệt, cuối tháng 3 vừa qua cũng rộ lên thông tin hàng chục hộ dân thuộc 3 thôn gồm: thôn 7, thôn 8 và thôn 9 (xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) ồ ạt trồng cây, xây lều trại trên vùng đất quy hoạch thủy điện Sông Tranh 4 để chờ tiền bồi thường.

Một số hộ dân cho biết, tình trạng này xuất hiện cách đây hơn một tháng. Mỗi lều trại xây lên tốn khoảng 15 - 20 triệu đồng, nếu được chủ đầu tư chấp nhận bồi thường sẽ được khoảng 50 - 70 triệu đồng.

Được biết, dự án thủy điện Sông Tranh 4 xây dựng ở huyện Hiệp Đức nhưng khi tích nước sẽ dâng lên làm ngập và ảnh hưởng đến khoảng 90ha đất sản xuất của gần 120 hộ dân ở các thôn 7, thôn 8 và thôn 9 nên người dân xây dựng trước để chờ đền bù.

Quảng Nam bùng phát xây dựng trái phép ảnh 2 Đến nay đã có hàng trăm công trình xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm tại xã Tam Anh Nam (Núi Thành)
Kiên quyết xử lý

Câu chuyện xây dựng trái phép trên đất dự án hay rừng phòng hộ không phải là điều mới mẻ ở Quảng Nam, mà đã diễn ra dai dẳng vài năm qua. Trước đó, vào những năm 2017, 2018 khi các dự án du lịch của vùng Đông tỉnh Quảng Nam bắt đầu rục rịch triển khai cũng là lúc hàng trăm hộ dân các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên); Bình Dương (huyện Thăng Bình) đua nhau xây dựng các công trình trái phép để chờ đền bù.

Sự việc bùng phát đến mức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường lúc đó (bây giờ là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) phải đích thân xuống kiểm tra và chỉ đạo giải quyết mạnh tay những trường hợp cố ý xây dựng trái phép.

Tiếp đến, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong địa bàn vùng Đông, các Sở, ban ngành liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như phải công bố công khai, rộng rãi quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu, thông báo thu hồi đất.

Đặc biệt, tăng cường thông tin, tuyên truyền các chính sách pháp luật về đất đai đến người dân… Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng, để phát sinh tình trạng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua bán, chuyển nhượng, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, xây dựng trái với quy định pháp luật về đất đai. Kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ nhà ở, công trình xây dựng trên đất không phải là đất ở…

Tuy vậy việc xây dựng trái phép chỉ lắng đọng tạm thời ở nơi này nhưng lại xuất hiện những nơi khác,.

Quay lại câu chuyện xây dựng khu du lịch sinh thái trái phép tại thôn Trà Lý, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên thừa nhận, để xảy ra sự việc trên chính quyền xã phải có trách nhiệm khi chưa sâu sát quyết liệt trong kiểm tra, ngăn chặn việc xây dựng công trình trái phép, và đây sẽ là bài học để chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý tốt hơn thời gian tới.

“Vụ việc đã giao cho Ủy ban Kiểm tra huyện ủy xử lý, ai vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm, khi nào có kết luận chính thức chúng tôi sẽ công khai rộng rãi”, ông Cường khẳng định. 

Qua nhiều sự việc xây dựng trái phép ở Quảng Nam có thể nhận thấy công tác quản lý đất đai, hiện trạng vùng quy hoạch dự án của tỉnh vẫn còn nhiều lỏng lẻo. Việc chính quyền các địa phương ra tay xử lý kiên quyết nạn làm nhà trái phép, trả lại hiện trạng là rất cần thiết nhằm lập lại trật tự trong công tác quản lý đất đai.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam, nhất là các địa phương nằm trong vùng dự án phải tăng cường quản lý quy hoạch, hiện trạng; sớm phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ đầu đừng để đến khi người dân ào ạt, xây dựng xong hàng trăm công trình trái phép rồi mới thành lập tổ kiểm tra, huy động lực lượng xuống phá dỡ thì đã quá muộn và lãng phí tiền của của người dân và công sức của chính quyền.

Tin cùng chuyên mục