Quảng Ngãi phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn rùa biển

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có báo cáo gửi Bộ TN-MT về các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh đối với công tác bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.
Tỉnh Quảng Ngãi có 7 vùng đất ngập nước quan trọng, gồm: Bàu Cá Cái và sông Đầm (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) diện tích 144,4ha rừng ngập mặn vùng nước cửa sông, ao hồ, nuôi trồng thủy sản; Đầm Nước Mặn (xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) diện tích 314ha chủ yếu đầm phá ven biển; Đầm An Khê (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ) diện tích 446,86ha chủ yếu đầm phá ven biển; Đất ngập nước huyện Lý Sơn diện tích 843,52ha vùng ven biển nông ven bờ, thảm cỏ biển, rạn san hô, bãi vùng gian triều; Khu rừng Nà (xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức) diện tích 17,97ha chủ yếu rừng ngập nước có cây gỗ chiếm ưu thế và 2 hồ thủy điện thuộc diện tích đất ngập nước.
Quảng Ngãi phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn rùa biển ảnh 1 Bảo tồn và phát triển bền vững vùng ngập mặn Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi góp phần tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trong các nội dung bảo vệ và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước mà tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện, đáng chú ý là thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện bằng việc thực hiện dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển Bàu Cá Cái tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, và dự án trồng rừng ngập mặn ven biển tại các xã Bình Phước, Bình Đông và Bình Dương (huyện Bình Sơn) thuộc dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ không hoàn lại. Khu vực triển khai dự án nằm dọc hai bên sông Cà Ninh, quy mô 107,49ha, trong đó trồng mới 65,64ha, thời gian thực hiện năm 2018-2019.

Đối với bảo tồn rùa biển, kế hoạch hành động chương trình bảo tồn rùa biển, nhằm giảm thiểu các tác nhân gây tử vong do rùa biển, trong đó, thành lập nhóm tình nguyện viên triển khai hoạt động bảo tồn rùa biển tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Nhóm định kỳ kiểm tra, xác định các điểm nóng về khai thác rùa biển có chủ ý, mua bán, vận chuyển và giết mổ rùa biển trong và xung quanh Khu bảo tồn biển Lý Sơn.

Quảng Ngãi phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn rùa biển ảnh 2 Một cá thể rùa biển được phát hiện và thả về lại biển đảo Lý Sơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trong đó, thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản, nơi sinh cư của rùa biển. Tổ chức khảo sát chi tiết các khu vực bãi biển trước kia có rùa lên đẻ như Bãi Bắc đảo Bé, bãi Khe Suối, bãi Đá Hai (huyện đảo Lý Sơn) nhưng chưa phát hiện cá thể rùa nào lên bãi đẻ.

Bảo vệ nơi sinh cư, cứu hộ rùa biển, khuyến khích các giải pháp bảo vệ thích hợp những nơi sinh cư của rùa biển nằm ngoài phạm vi quản lý của Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Thực hiện dự án “Bảo tồn bãi đẻ của rùa biển dựa vào cộng đồng”, đối với dự án này, hầu hết các ngư dân đã nắm bắt được các quy định pháp luật về bảo vệ, bảo tồn rùa biển.

Phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam thực hiện phục dựng một tiêu bản khô cá thể rùa biển (thuộc họ rùa da) có kích thước chiều dài toàn bộ 1,8m, chiều dài mai 1,55m, rộng 0,8m, cao 0,45m, nặng khoảng 300kg bị sa lưới ngư dân. Đây là cá thể rùa biển quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Mục đích tiêu bản dùng để trưng bày tại nhà trưng bày cộng đồng, tuyên truyền cho người dân và du khách về tầm quan trọng của rùa biển.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản như nuôi ghép hải sâm và ốc hương, nuôi ghép tôm và cá, hạn chế ô nhiễm môi trường, thực hiện công tác quan trắc cảnh báo môi trường. Đồng thời, nghiêm cấm sử dụng xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, từng bước giảm tỷ lệ nghề lưới kéo xuống 25% trong cơ cấu nghề khai thác, tạm dựng phát triển nghề lưới kéo và nghề lặn, cấm cải hoán và chuyển từ các nghề khác sang nghề lưới kéo, hạn chế tác động xấu đến môi trường, nguồn lợi thủy sản.

Vừa qua, tháng 11-2020, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã tiến hành thả 1 cá thể rùa biển (đồi mồi) nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN. Rùa biển có chiều dài mai 22cm, rộng 12cm, nặng gần 1kg. Thời gian qua, nhờ công tác tuyên truyền pháp luật bảo vệ loài quý hiếm, công tác tuần tra kiểm soát chặt chẽ mà rùa biển đã xuất hiện trở lại vùng biển Lý Sơn.

Tin cùng chuyên mục